Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thảo luận, quyết nghị thông qua 9 Nghị quyết thường kỳ và chuyên đề với tỷ lệ thống nhất cao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo nguồn lực cho Thủ đô phát triển.
Toàn cảnh khai mạc kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết, với chủ đề năm công tác là: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, Hà Nội đã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở. 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế của thành phố tăng trưởng cao hơn cùng kỳ.
Cụ thể là, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,07% (cùng kỳ 6,64%); thu ngân sách nhà nước ước đạt 120 nghìn tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 1 bậc đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong 30 năm qua, 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội vượt lên dẫn đầu cả nước, thu hút được 5,9 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đến nay thành phố đã có 4 huyện và 294/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. An sinh xã hội được thành phố quan tâm thực hiện; công tác chăm lo người có công với cách mạng, gia đình chính sách; văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được đảm bảo, đối ngoại được mở rộng.
Đối chiếu với kế hoạch, đến nay 13 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội đều được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có 4 chỉ tiêu dự kiến về đích trong năm 2018, sớm 2 năm so với mục tiêu Đại hội, đó là tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 82,9%, trong đó chỉ tiêu đại hội là 80%; tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia đạt 65%, trong đó chỉ tiêu là 65 - 70%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn mới) đạt 100% theo chỉ tiêu đề ra...
Bên cạnh đó, mặc dù đã tăng được 2 bậc song xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam của Hà Nội so với cả nước còn thấp đứng thứ 56/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh với mật độ nhà chung cư dày đặc nhưng công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư, tái định cư, nhà chuyên dùng vẫn còn nhiều bất cập gây bức xúc cho nhân dân như vấn đề phòng cháy chữa cháy, tranh chấp quỹ bảo trì, thành lập ban quản trị…
Đáng chú ý, tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng vẫn còn những diễn biến phức tạp, một số công trình vi phạm tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm, số công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao, nhất là vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công…
Hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Các đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Tại kỳ họp lần 6, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu HĐND thành phố thảo luận, quyết nghị thông qua 9 Nghị quyết thường kỳ và chuyên đề với tỷ lệ thống nhất cao. Trong đó, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách, nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội được dư luận và các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, Hà Nội sẽ hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới với mức hỗ trợ là 300.000 đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 300.000 đồng/doanh nghiệp về kinh phí làm 1 dấu pháp nhân và hỗ trợ kinh phí chuyển phát nhanh kết quả giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp thành lập mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ trong thời gian giai đoạn 2018 - 2020 là 72,9 tỷ đồng, trong đó có gần 23,6 tỷ đồng phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu, 46,2 tỷ đồng kinh phí làm dấu pháp nhân và 3,1 tỷ đồng kinh phí chuyển phát nhanh.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thế Vinh (tổ đại biểu quận Đống Đa) khẳng định, chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới của UBND thành phố Hà Nội là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chọn những hạng mục thực sự cần thiết để hỗ trợ.
Theo đại biểu Nguyễn Thế Vinh, hỗ trợ về đăng ký con dấu, chuyển phát nhanh kết quả giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp… là không bắt buộc. Các doanh nghiệp mới cần nhất là sự hỗ trợ để kết nối đầu ra, đầu vào với các đối tác, khách hàng; hỗ trợ về thủ tục hành chính, đào tạo kiến thức. Hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp vì các vấn đề về thuế, phí, thủ tục… còn phức tạp. Các doanh nghiệp thành lập nhiều là tốt nhưng cần quan tâm đến chất lượng, không nên để tình trạng tồn tại các “công ty ma”.
Cơ bản thống nhất với các đề xuất, bà Hồ Vân Nga, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố bổ sung quy định việc thanh toán kinh phí hỗ trợ làm 1 con dấu pháp nhân theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/doanh nghiệp. Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị UBND thành phố sớm hoàn thành việc xây dựng và trình HĐND thành phố quyết nghị các chính sách hỗ trợ khác theo thẩm quyền của HĐND thành phố như bố trí quỹ đất, hỗ trợ giá thuê mặt bằng…, xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài quy định hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn, thành phố cũng đề xuất một số quy định chi đặc thù khác như: Quy định mức hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của thành phố Hà Nội. Cụ thể, người có trình độ đại học hoặc trên đại học được hưởng hỗ trợ 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng, người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp được hưởng mức hỗ trợ 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng, mức lương cơ sở được áp dụng thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức và lượng vũ trang.