Pháp lệnh này gồm 4 chương, 48 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022; quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ngày 15/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (dự thảo Pháp lệnh). Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; đồng thời, gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Về đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng về đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh. Đối với quy định về thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đều là những hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và thực tiễn đang xảy ra nhiều hành vi cản trở, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Tòa án, cần được điều chỉnh trong Pháp lệnh này để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm.
Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát các đối tượng bị xử phạt trong dự thảo Pháp lệnh nhằm bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh bổ sung quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với Hội thẩm nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng, để thống nhất với khoản 8 Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: "Hội thẩm… nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự". Đồng thời, dự thảo Pháp lệnh cũng bỏ quy định liên quan đến xử phạt hành chính đối với Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, vì đối tượng này là viên chức (theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý), do đó, nếu thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Chương II, các điều từ Điều 9 đến Điều 24), Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các hành vi cản trở hoạt động tố tụng: Chỉnh lý quy định về mức xử phạt đối với một số hành vi trong dự thảo Pháp lệnh; một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng nhưng đã được quy định tương tự trong các Nghị định của Chính phủ, thì dự thảo Pháp lệnh dẫn chiếu thực hiện theo các quy định tương ứng đó.
Ngoài việc rà soát theo các tiêu chí nêu trên, bà Lê Thị Nga nêu rõ, việc quy định hình thức xử phạt đối với hành vi trong dự thảo Pháp lệnh còn phải bảo đảm các yêu cầu: Thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn; tuân thủ nguyên tắc tại điểm c khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính: "Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng".
Về thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, bổ sung Điều 32, Điều 40 và khoản 9 Điều 41 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội.
Bảo vệ quyền riêng tư của con người
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nêu, quy định chưa thống nhất giữa mức xử phạt, hình phạt xử phạt bổ sung theo quy định của Pháp lệnh này (nếu được thông qua) với Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính rất nhiều nên việc rà soát để đảm bảo tính hợp pháp, đồng bộ giữa quy định của Pháp lệnh với các hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính còn nhiều khó khăn.
Đơn cử, với hành vi luật sư xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, được quy định tại khoản 3, Điều 15 (xử phạt từ 15-30 triệu đồng), trùng với hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư của Nghị định 82/2020/NĐ-CP (xử phạt từ 20-30 triệu đồng). "Mức phạt không chênh nhau nhiều; tuy nhiên, với hình phạt bổ sung lại rất khác nhau. Hình phạt bổ sung trong Nghị định 82/2020/NĐ-CP đối với luật sư vi phạm là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư, rất nặng. Song, trong dự thảo Pháp lệnh lại quy định rất nhẹ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính", Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nêu; đồng thời đề nghị cần có các biện pháp đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trước ý kiến đề nghị rà soát quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm thống nhất với các luật tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, về nội quy phiên tòa, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có quy định "nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ".
Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung "mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa". Vì vậy, để bảo đảm quy định thống nhất giữa Pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, điểm c và điểm d khoản 4 Điều 23 của dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý. Theo đó, phạt tiền từ 7 đến 15 triệu đồng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
Giải trình thêm tại phiên họp về việc tổ chức ghi âm, ghi hình trong phiên tòa, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tất cả các quy định về ghi âm, ghi hình được ghi rõ trong các luật khác nhau: Bộ luật Tố tụng dân sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Tố tụng hành chính.
Lấy ví dụ về thông tin diễn ra trong phiên tòa giải quyết ly hôn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định: "Luật quy định việc này nhằm bảo vệ quyền riêng tư của con người".