Hình ảnh một phiên làm việc của Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa-TTXVN |
* Giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định hiện hành Với 89,88% tán thành, Quốc hội thông qua dự thảo Luật trẻ em. Luật gồm 7 chương, 106 điều. Luật này quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Đối tượng áp dụng của luật là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ sở giáo dục, gia đình, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân).
Trước khi thông qua dự thảo Luật, Quốc hội đã nghe Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật trẻ em. Báo cáo cho biết đa số các ý kiến thống nhất đổi tên Luật thành Luật trẻ em.Về độ tuổi trẻ em, nhiều đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai phương án (Phương án 1: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”; Phương án 2: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”).
Kết quả lấy phiếu cho thấy: Có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về và 69,25% tổng số đại biểu Quốc hội; 50/397 ý kiến đồng ý phương án 1, chiếm 12,59% tổng số phiếu thu về và 10,18% tổng số đại biểu Quốc hội. Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại luật hiện hành.
Về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào khoản 1 Điều 10 các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Trẻ em lánh nạn, tị nạn; trẻ em di cư; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày, bệnh hiếm theo quy định của Bộ Y tế.
Cũng có ý kiến băn khoăn việc bổ sung nhóm “trẻ em chưa hoàn thành phổ cập giáo dục phải bỏ học kiếm sống” vào đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vì không rõ phổ cập giáo dục ở cấp nào. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật các nhóm “trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo” (điểm n khoản 1) và nhóm “Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc” (điểm o khoản 1).
Về nhóm trẻ em “chưa hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục phải bỏ học kiếm sống”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình và tiếp thu như sau: Nhóm trẻ em này chịu rất nhiều thiệt thòi trong xã hội như: Bị mất quyền học tập, mất cơ hội tiếp cận tri thức, nghề nghiệp để hoàn thiện nhân cách và tạo lập cuộc sống ổn định khi trưởng thành; có nguy cơ cao bị xâm hại, bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ nhóm trẻ em này là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bổ sung cụm từ “trung học cơ sở” sau cụm từ “phổ cập giáo dục” để làm rõ hơn nhóm đối tượng này.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
* Luật báo chí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương, 61 điều đã được 89,47% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua. Luật quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Luật báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/1999/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Về cơ quan báo chí (các điều 15 và 21), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết phải có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông khi bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc trách nhiệm chính của cơ quan chủ quản báo chí (điểm b khoản 2 Điều 15). Về quy định việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí phải được sự thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông là cần thiết để bảo đảm người đứng đầu cơ quan báo chí phải hội đủ tiêu chuẩn như quy định tại khoản 2 Điều 23.
Thực tế hiện nay, một số cơ quan chủ quản cơ quan báo chí bổ nhiệm tổng biên tập không có nghiệp vụ báo chí, làm ảnh hưởng đến chất lượng của báo. Hơn nữa báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động báo chí cả nước.
Cơ quan này rất cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên, mật thiết với người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm bảo đảm đưa thông tin kịp thời, trung thực, lành mạnh đến công chúng. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Về cấp thẻ nhà báo: Có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên” đối với người công tác tại cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo; đề nghị giảm điều kiện phải có thời gian công tác từ “3 năm” xuống còn “2 năm” đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu; đề nghị bổ sung quy định trường hợp người được xét cấp thẻ nhà báo là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự bị kết án mà hết thời hạn thi hành án. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các nội dung trên thể hiện tại Điều 27 dự thảo Luật.
Về ý kiến đề nghị đối với trường hợp người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ vì bị khởi tố bị can, khi có kết luận không phạm tội của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải “trả lại” thẻ thay vì làm thủ tục “cấp lại” thẻ như quy định trong dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi nội dung trên thể hiện tại Điều 28 dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó. Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về quyền khai thác thông tin của nhà báo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hoạt động khai thác thông tin của nhà báo bao gồm hoạt động chủ động lấy tin, bài của nhà báo và trách nhiệm của cơ quan tổ chức cung cấp thông tin cho nhà báo. Dự thảo Luật đã có một số điều quy định về vấn đề này, cụ thể là: Khoản 2 điều 13 quy định hoạt động báo chí và nhà báo được Nhà nước bảo hộ; các điểm b, c, d khoản 2 Điều 25 quy định nhà báo có quyền được khai thác và cung cấp thông tin; được đến cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức phải cung cấp cho nhà báo tư liệu, tài liệu; được hoạt động báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với những người có liên quan để lấy tin, phỏng vấn.
Ngoài ra, khoản 12 Điều 9 quy định cấm hành vi cản trở nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp, khai thác lấy tin, bài; khoản 1 Điều quy định cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm phải cung cấp thông tin cho báo chí… Ngoài ra còn một số điều khác quy định liên quan đến các hình thức khai thác thông tin của nhà báo.
Về ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo (Điều 28), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tế hiện nay có một số trường hợp, người được cấp thẻ nhà báo nhưng không còn làm công việc liên quan đến báo chí, mà vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ như dự thảo Luật.
Chiều 5/4, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình.