Phát huy năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng
Đó là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 được tổ chức ngày 19/9. Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến đề xuất cho rằng sớm cải cách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 cũng là một cú hích cho thị trường lao động và góp phần kích cẩu tiêu dùng nội địa. Theo Chủ tịch Quốc hội đây là cải cách tiền lương chứ không phải tăng lương bình thường; đồng thời nêu rõ: “Chúng ta đang tích cực chuẩn bị cho việc này. Nếu không có gì thay đổi thì thời điểm có thể áp dụng vào tháng 7/2024. Chúng ta đang tích cực chuẩn bị cho cả nguồn lực và thể chế, chính sách thang bảng lương… để thực hiện công cuộc cải cách theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương”.
Cùng với đó là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ lao động cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Phát huy thế mạnh nội lực của nền kinh tế gồm nền nông nghiệp nhiệt đới, lợi thế kinh tế biển, du lịch, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa…
Hà Nội thông qua mức hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trong vụ cháy ở Khương Đình
Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng tại thời điểm xảy ra vụ cháy tại địa chỉ số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân ngày 12/9/2023.
Theo Nghị quyết, HĐND thành phố Hà Nội quyết định 7 nội dung: Hỗ trợ người phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế; hỗ trợ kinh phí cấp cứu và điều trị nạn nhân tại các cơ sở y tế; hỗ trợ tiền tạm cư; hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ tiền chăm sóc trẻ em mồ côi có cha (mẹ) hoặc cả cha và mẹ tử vong tại thời điểm xảy ra vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị; hỗ trợ đại diện thân nhân người tử vong; hỗ trợ tang lễ, hỏa táng người tử vong tại vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị.
Cụ thể, với người phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/người (bao gồm 4,4 triệu đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ; 3 triệu đồng từ nguồn ngân sách quận Thanh Xuân và 22,6 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố). Trường hợp người tử vong trong quá trình cấp cứu và điều trị thì đại diện thân nhân người tử vong được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/người từ ngân sách quận Thanh Xuân.
HĐND thành phố cũng thống nhất hỗ trợ kinh phí cấp cứu và điều trị nạn nhân tại các cơ sở y tế (ngoài kinh phí hỗ trợ đã được quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị quyết này). Đối tượng và mức hỗ trợ là người phải cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ chi phí cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế ngoài phần chi phí được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán. Hình thức hỗ trợ là Sở Y tế chi trả các khoản kinh phí điều trị trực tiếp trên cơ sở đề nghị của các cơ sở y tế cấp cứu và điều trị nạn nhân.
Bên cạnh đó, HĐND thành phố thống nhất hỗ trợ tiền tạm cư đối với hộ gia đình, cá nhân cư trú tại địa chỉ số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân. Theo đó, mức hỗ trợ tạm cư là 6 triệu đồng/tháng/hộ gia đình, thời gian hỗ trợ 6 tháng. Cá nhân ở ghép trong cùng một căn hộ hoặc hộ gia đình có 1 người là 1,5 triệu đồng/tháng/người; thời gian hỗ trợ 6 tháng. Nguồn kinh phí từ ngân sách quận Thanh Xuân, hình thức hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt.
Hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, đối tượng là học sinh, sinh viên cư trú tại địa chỉ số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, đang học tại các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/học sinh, sinh viên, nguồn kinh phí từ ngân sách quận Thanh Xuân, hình thức hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt.
Hỗ trợ tiền chăm sóc trẻ em mồ côi có cha (mẹ) hoặc cả cha và mẹ tử vong tại thời điểm xảy ra vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị. Đối tượng là trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trẻ; trẻ em mồ côi cha (hoặc mẹ), mức hỗ trợ 70 triệu đồng/trẻ.
Hỗ trợ đại diện thân nhân người tử vong, kinh phí hỗ trợ này không bao gồm kinh phí trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (nếu trẻ thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố, hình thức hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt cho người chăm sóc trẻ.
Với đối tượng là đại diện thân nhân người tử vong, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/người tử vong (bao gồm 22 triệu đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ; 5 triệu đồng từ nguồn ngân sách quận Thanh Xuân và 23 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố và ngân sách quận Thanh Xuân, hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt.
Ngoài ra, còn có các qui định cụ thể về hỗ trợ tang lễ, thủ tục hỏa táng người tử vong tại hiện trường vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu và điều trị.
Bộ Quốc phòng xem xét xử lý kỷ luật đối với 12 tập thể và 44 cá nhân
Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổ chức Kỳ họp thứ 16 dưới sự chủ trì của Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương.
Phát biểu tại Kỳ họp, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh: Việc xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân cần đảm bảo chặt chẽ, nghiêm minh, khách quan, thấu tình đạt lý và quan trọng nhất là làm cho các tập thể, cá nhân nhận thức rõ sai phạm của mình, có sức, giáo dục, răn đe và kịp thời có biện pháp khắc phục những vi phạm khuyết điểm đã được chỉ ra.
Tại Kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã xem xét, phân tích kỹ lưỡng sai phạm của từng tập thể, cá nhân và thống nhất bỏ phiếu đề nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét xử lý kỷ luật đối với 12 tập thể và 44 cá nhân.
Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương yêu cầu các tổ chức Đảng và đảng viên nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc, các quy chế, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và kỷ luật Quân đội.
Đại tướng Lương Cường biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Kiểm tra đã tổ chức kiểm tra, kết luận các sai phạm của tổ chức Đảng, đảng viên rõ ràng, chặt chẽ, nêu rõ bản chất sai phạm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định của Đảng; đồng thời yêu cầu Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản trình Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đối với các tổ chức Đảng và đảng viên có vi phạm, khuyết điểm theo đúng quy định của Đảng.
Thi thể vớt được dưới sông Đuống là thủ phạm bắt cóc cháu bé tại xã Đa Tốn
Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, trục vớt một thi thể phụ nữ tại khu vực sông Đuống, địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Đối tượng là Giáp Thị Huyền Trang - nghi phạm trong vụ án bắt cóc và sát hại trẻ em.
Trước đó, khoảng 17 giờ 30 ngày 19/9, Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị M.T.H (sinh năm 1990; hộ khẩu thường trú tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; chỗ ở hiện nay tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) về việc con gái ruột là cháu N.H.T (sinh năm 2021) đã bị Giáp Thị Huyền Trang (sinh năm 1996; hộ khẩu thường trú tại xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, là người được gia đình thuê đón cháu), bắt cóc, đòi số tiền 1,5 tỷ đồng, nếu không sẽ giết cháu T.
Trong diễn biến liên quan đến vụ án, khoảng 21 giờ 37 ngày 19/9, Tổng đài 113 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận tin báo của công dân về việc khoảng 21 giờ 35 cùng ngày có nhìn thấy một người nhảy từ cầu Đuống xuống sông.
Đến 19 giờ 30 ngày 21/9, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, trục vớt một thi thể phụ nữ tại khu vực sông Đuống, địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Kết quả giám định ADN xác định thi thể người phụ nữ trên là Giáp Thị Huyền Trang.
Quá trình điều tra đến nay, Công an Thành phố xác định: Sau khi đón cháu T từ Trường Mầm non tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Trang sử dụng xe máy SCR màu trắng biển kiểm soát 29D1 - 571.55 chở cháu T đi thẳng xuống địa phận tỉnh Hưng Yên, liên tục di chuyển vòng quanh các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào. Trong khi di chuyển, Trang sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để gọi điện, nhắn tin cho bị hại đòi tiền chuộc, sau đó tắt máy nhằm che giấu, đối phó việc truy bắt của lực lượng Công an. Trên đường đi, cháu bé bị mệt, quấy khóc nhiều, Trang sợ lộ, sẽ bị lực lượng Công an truy bắt. Do đó, đối tượng đã trắng trợn ra tay sát hại cháu bé để xóa dấu vết truy bắt của lực lượng Công an và để bịt đầu mối, trước thời điểm gia đình bị hại đến cơ quan Công an trình báo.
Sau khi sát hại cháu bé, Trang tiếp tục đòi tiền chuộc, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Do lo sợ, gia đình cháu T đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Trang với tổng số tiền 550 triệu đồng.
Trên đường lẩn trốn, biết các lực lượng Công an đang ráo riết truy bắt, không thể trốn thoát và sẽ phải đương đầu với mức án cao nhất, đối tượng đã tự tử.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đang tập trung phối hợp điều tra, làm rõ nội dung vụ án để xử lý theo quy định pháp luật.