Nóng trong tuần: Lũ lụt kinh hoàng tại Libya; Chủ tịch Triều Tiên thăm Nga

Tuần qua, thế giới đã xảy ra những sự kiện nổi bật như: Lũ lụt khiến hàng ngàn người thiệt mạng ở Libya; Cộng đồng quốc tế nỗ lực cứu trợ nạn nhân động đất ở Maroc; Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm Nga và Giá dầu thế giới lập đỉnh của năm 2023.

Lũ lụt kinh hoàng tại Libya

Chú thích ảnh
Ngập lụt do bão Daniel tại thành phố Derna, Libya ngày 12/9/2023. AFP/TTXVN

Hãng tin AP trích dẫn thống kê của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya ngày 15/9, số người chết ở thành phố ven biển Derna của Libya đã tăng vọt lên 11.300 nạn nhân sau khi hai con đập lớn bị vỡ gây lũ quét nghiêm trọng hôm 10/9. 

Con số trên sẽ tăng lên do vẫn còn khoảng 10.000 người mất tích. Thị trưởng Derna Abdel-Moneim al-Ghaithi nhận định số người thiệt mạng sau thảm họa vỡ đập có thể lên tới 20.000, dựa trên tình hình tại các khu vực lân cận bị lũ cuốn. Giới chức thành phố này đã bắt đầu chôn cất nạn nhân xấu số, chủ yếu là trong các ngôi mộ tập thể.

Cùng lúc đó, các đội cứu hộ vẫn kiên trì tìm kiếm bên trong những tòa nhà bị ngập nước ở trung tâm thành phố. Các thợ lặn đang rà soát vùng biển ngoài khơi Derna.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ngày 15/9 cho biết hơn .640 người ở Đông Bắc Libya phải di dời khỏi các khu vực bị lũ lụt nặng nề gây ra bởi cơn bão Địa Trung Hải Daniel. Riêng thành phố cảng Derna bị ảnh hưởng nặng nhất với 2.217 tòa nhà bị phá hủy. Cơ quan thực hiện các dự án tiện ích và nhà ở của Libya thông báo lũ lụt đã làm hư hại khoảng 5.000 ngôi nhà và phá hủy mạng lưới cấp nước, khiến người dân ở nhiều nơi bị thiếu nước uống nghiêm trọng.

Ngày 16/9, Tổng công tố al-Sediq al-Sour thông báo đã mở cuộc điều tra về vụ vỡ hai con đập lớn bảo vệ thành phố duyên hải Derna, nơi có 90.000 người sinh sống, cũng như việc phân bổ kinh phí bảo trì hai con đập được xây dựng từ những năm 1970 này. Ông nêu rõ đối tượng điều tra là chính quyền đương nhiệm và tiền nhiệm tại thành phố Derna.

Theo những gì đã diễn ra trong thực tế, giới chức địa phương tại Derna đã cảnh báo người dân về cơn bão sắp đổ bộ và ngày 9/9, họ cũng ra lệnh cho người dân sống tại khu vực duyên hải ở Derna đi sơ tán, do lo ngại nước biển dâng cao. Tuy nhiên, không có cảnh báo về nguy cơ vỡ đập được đưa ra và điều không may này đã xảy đến vào rạng sáng 11/9 khi hầu hết người dân vẫn còn đang trong giấc ngủ.

Thảm họa này xảy ra sau khi Libya hứng chịu lượng mưa cực lớn do ảnh hưởng của cơn bão Daniel. Sau khi càn quét Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria với lũ lụt nghiêm trọng khiến trên 20 người thiệt mạng, bão Daniel đã tăng cấp thành siêu bão. Sức mạnh của nó tăng lên khi băng qua vùng nước ấm bất thường của Địa Trung Hải và trút lượng mưa kỷ lục 414 mm trong 24 giờ xuống Libya.

Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), các tòa nhà, nhà ở và cơ sở hạ tầng đã bị xô đổ khi một cơn sóng cao 7 mét ập vào thành phố ven biển này. 

Câu hỏi đặt ra là tại sao cơn bão từng đổ bộ vào Hy Lạp và các nước khác lại gây tàn phá nặng nề hơn ở Libya.

Giới chuyên gia cho rằng ngoài việc có cấp độ mạnh hơn, thảm họa ở Libya trầm trọng hơn là do nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu hệ thống cảnh báo và tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng. 

Nỗ lực cứu trợ nạn nhân động đất ở Maroc

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau trận động đất tại Amizmiz, Maroc ngày 11/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Đêm 8/9, một trận động đất có độ lớn 6,8 đã làm rung chuyển nhiều thành phố tại Maroc, san phẳng những ngôi làng trên các ngọn đồi của dãy núi Atlas. Trận động đất với tâm chấn tại dãy núi Atlas, cách thành phố du lịch nổi tiếng Marrakech 72 km về phía Tây Nam.

Đây được xem là trận động đất nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Maroc, gây thiệt hại trên diện rộng. Hầu hết các ngôi nhà được xây bằng gạch bùn và gỗ hoặc gạch làm bằng than xỉ và xi măng, ít có khả năng chống chịu động đất.

Theo truyền thông Maroc, hơn 18.000 hộ gia đình đã bị ảnh hưởng trong thảm họa này. Chính phủ Maroc đã tuyên bố quốc tang 3 ngày kể từ ngày 10/9. Theo số liệu công bố ngày 12/9, nhà chức trách xác nhận hơn 2.800 người đã thiệt mạng và khoảng 2.500 người khác bị thương. Lực lượng cứu hộ sở tại cùng các đội cứu hộ nước ngoài đã chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót dưới đống đổ nát. 

Cộng đồng quốc tế đã gửi lời chia buồn tới Quốc vương Mohamed VI, chính phủ và người dân Maroc, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ quốc gia Bắc Phi này khắc phục hậu quả thiên tai. Các nhà lãnh đạo và tổ chức quốc tế trên thế giới đã gửi lời chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết với Maroc sau trận động đất kinh hoàng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ngày 14/9, chính phủ Maroc thông báo khởi động chương trình trợ giúp nhằm hỗ trợ và đảm bảo chỗ ở cho những người bị mất nhà cửa trong trận động đất mạnh hồi tuần trước.

Theo chương trình, những người bị mất nhà cửa sẽ được cung cấp nơi trú ẩn tạm thời tại các cơ sở được thiết kế có thể chống chịu thời tiết xấu và giá lạnh, hoặc tại các địa điểm được trang bị tất cả các tiện ích sinh hoạt cần thiết. 

Chính phủ Maroc cũng quyết định hỗ trợ khẩn cấp 30.000 dirham (gần 3.000 USD) cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng của động đất. Đây là một phần trong giai đoạn đầu của chương trình xây sửa lại khoảng 50.000 ngôi nhà đã bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn trong thảm họa này, với 140.000 dirham sẽ được phân bổ cho việc xây dựng lại những ngôi nhà bị sập hoàn toàn và 80.000 dirham để sửa chữa các ngôi nhà bị hư hỏng một phần.

Chủ tịch Triều Tiên thăm Nga, gắn kết quan hệ song phương

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) thăm nhà máy sản xuất máy bay Yuri Gagarin ở thành phố Komsomolsk-on-Amur, vùng Viễn Đông (Nga). Ảnh: YONHAP/TTXVN

Moskva và Bình Nhưỡng sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp và thúc đẩy hòa bình khu vực. Tờ China Daily đưa tin đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/9 tại cuộc gặp với ông Kim Jong-un, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên.

Tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở tỉnh Amur thuộc vùng Viễn Đông của Nga, hai nhà lãnh đạo đã tổ chức cuộc gặp theo hình thức mở rộng với sự tham dự của hai phái đoàn và kéo dài khoảng một tiếng rưỡi. Sau cuộc gặp, các nhà lãnh đạo đã gặp mặt trực tiếp và cùng nhau dùng bữa trưa.

Điện Kremlin dẫn lời ông Putin phát biểu tại buổi hội đàm rằng cuộc gặp đã diễn ra vào một thời điểm đặc biệt, khi Triều Tiên vừa kỷ niệm 75 năm quốc khánh và hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ông Putin nhắc lại rằng Liên Xô cũ là nước đầu tiên công nhận chủ quyền và độc lập của Triều Tiên.
“Chúng tôi cam kết tăng cường mối quan hệ thân thiết và láng giềng tốt đẹp”, ông Putin nói trong lúc dùng bữa trưa, đồng thời cho biết thêm rằng cả hai nước sẽ hành động vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Về phần mình, ông Kim Jong-un lưu ý rằng chuyến thăm của ông diễn ra trong bối cảnh  trường quốc tế đang có sự đối đầu gay gắt, cũng như trong bối cảnh một thế giới đa cực mới đang nổi lên.

Chủ tịch Kim Jong-un cho biết ông đã thảo luận về tình hình quân sự - chính trị trên Bán đảo Triều Tiên và ở châu Âu với người đồng cấp Nga. Ông cho biết thêm hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác chiến lược và chiến thuật.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết ông sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Nga để thiết lập mối quan hệ lâu dài, ổn định và hướng tới tương lai giữa hai nước. Và điều này sẽ củng cố hơn nữa sức mạnh của cả hai quốc gia và giúp bảo vệ công lý quốc tế.

Phóng viên hãng TASS đưa tin ngày 16/9, ông Kim Jong-un đã đến sân bay Knevichi ở Vladivostok, nơi ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Theo hãng tin Interfax, tại cuộc gặp, Bộ trưởng Shoigu đã giới thiệu đến nhà lãnh đạo Triều Tiên 3 máy bay chiến lược của Nga, cũng như các tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Nga theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Nga là quốc gia đầu tiên mà ông Kim Jong-un đến thăm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến Bình Nhưỡng phải đóng cửa biên giới. Trước đó, ông Kim Jong-un đã đến thăm Nga vào tháng 4/2019 và hội đàm với ông Putin tại Vladivostok.

Giá dầu thế giới lập đỉnh của năm 2023

Chú thích ảnh
 Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần này, giá dầu thế giới vừa tăng lên mức cao nhất trong năm và nối dài đà tăng của mặt hàng này sang tuần thứ ba liên tiếp. Trước tín hiệu đó, các nhà phân tích đã kỳ vọng dầu thô quay trở lại mức 100 USD/thùng vào cuối năm nay.

Kênh CNBC đưa tin giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế giao dịch thấp hơn 0,3% ở mức 93,46 USD/thùng vào chiều 15/9 tại London, trong khi giá dầu thô tương lai WTI của Mỹ ít thay đổi ở mức 90,09 USD.

Trước đó một ngày, cả Brent và WTI đều lập đỉnh cao nhất trong năm nay. 

Động thái tăng giá trên diễn ra trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt sau khi hai cường quốc xuất khẩu là Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây vừa công bố báo cáo cho rằng việc Saudi Arabia và Nga gia hạn các chương trình cắt giảm nguồn cung sẽ khiến thị trường dầu thiếu hụt đến hết quý IV. Sau đó dầu có thời gian giảm giá ngắn trước số liệu cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng lên. 

Ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty BOK Financial, cho biết các quỹ phòng hộ vẫn đang mua dầu kỳ hạn trong 2-3 tuần qua khi các yếu tố nền tảng của thị trường này đang tốt lên, với nhu cầu cả xăng và dầu diesel đều tăng cao.

Nhóm chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Bank of America tin rằng giá dầu có thể sớm vượt quá 100 USD. “Nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tích cực từ châu Á, chúng tôi tin rằng giá Brent có thể tăng vượt 100 USD/thùng trước năm 2024”.

Đồng quan điểm trên, ông Tamas Varga tại công ty môi giới dầu mỏ PVM nhận định việc giá dầu nhảy vọt tới cột mốc 100 USD là hợp lý, căn cứ theo những hạn chế sản xuất từ Saudi Arabia và Nga, hoạt động bảo trì nhà máy lọc dầu sắp tới, sự thiếu hụt cơ cấu dầu diesel ở châu Âu…

“Tuy nhiên, đợt phục hồi như vậy cũng kéo theo áp lực lạm phát mới”, ông Varga nói với CNB. Ông cho biết điều này đã được phản ánh trong dữ liệu lạm phát của Mỹ tuần này và sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Do đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng duy trì tăng lãi suất cao trong thời gian dài hơn, qua đó gây tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Ông nói thêm: “Vì lý do này, tôi tin rằng bất kỳ mức tăng vọt nào lên tới 100 USD sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Phớt lờ cảnh báo của Nga, các tàu ngũ cốc vẫn hướng đến cảng của Ukraine
Phớt lờ cảnh báo của Nga, các tàu ngũ cốc vẫn hướng đến cảng của Ukraine

Một quan chức Ukraine ngày 16/9 cho biết hai tàu ngũ cốc đã sẵn sàng đến cảng Chornomorsk trên Biển Đen để vận chuyển gần 20.000 tấn lúa mì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN