Theo đó, phạm vi lập Quy hoạch bao gồm toàn bộ tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích tự nhiên 7.943,93 km2 với vùng biển rộng 52.000 km2 và diện tích vùng biển đưa vào nghiên cứu quy hoạch là 20.288 km², bao gồm mặt biển, cột nước biển từ mặt biển đến đáy biển, trên mặt đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển thuộc nội thủy và vùng biển tỉnh được giao quản lý. Quy hoạch trên phạm vi 10 đơn vị hành chính của tỉnh.
Mục tiêu hướng đến của tỉnh là nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển. Tỉnh chú trọng phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên ngành; dịch vụ với các loại hình du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, dịch vụ logistics; nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến. Tỉnh phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn vùng và cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về biển, giàu về biển; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc tế ở châu Á Thái Bình Dương, một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân (thời kỳ 2021-2030) đạt 7,5-8,0%; GRDP bình quân/người năm 2025 đạt 4.600-4.800 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 7.800-8.000 USD. Đến năm 2025, giải quyết 100% các điểm nóng môi trường đang xảy ra hiện nay, giai đoạn đến năm 2030 không để xảy ra các điểm nóng về môi trường…
Theo ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, việc thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một trong những cơ sở quan trọng để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh; qua đó tạo hành lang pháp lý quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là tiền đề, căn cứ quan trọng để tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, biểu quyết thông qua 12 Nghị quyết quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là thông qua Nghị quyết các chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh. Đây là một trong những Nghị quyết quan trọng góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới.