Tháng 9/1947, Phòng truyền thông vô tuyến điện thuộc Sở thông tin Nam Bộ được thành lập tại xã Hậu Thạch, trên kênh Dương Văn Dương–Đồng Tháp Mười.
Phòng có nhiệm vụ thu phát tin trong nước và thế giới cung cấp cho Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, nhiều nhất là các bản tin của Việt Nam Thông tấn xã và một số tin của Đài phát thanh trong nước (Đài tiếng nói Việt Nam), và của quốc tế (Pháp, Tân Hoa xã, đài Bắc Kinh); thực hiện chức năng “Thông tấn xã”, thường được gọi là Phòng Việt Nam Thông tấn xã Nam Bộ.
Đây là đơn vị tiền thân của Thông tấn xã Giải phóng. Phòng do đồng chí Nguyễn Văn Hạng (còn có tên là Đỗ Văn Ba, thường gọi là Ba Đỗ) phụ trách. Đơn vị này tuy rất ít người nhưng đã hoạt động rất sáng tạo, tích cực suốt từ năm 1947 đến năm 1960, trước khi trở thành lực lượng nòng cốt cho sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng.
Từ những bản tin đầu tiên...
Hiệp định Geneva năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã tạm thời chia Việt Nam thành hai miền do hai chính thể quản lý để chờ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự giúp đỡ và chỉ đạo của Mỹ, ra sức phá hoại Hiệp định, từ chối hiệp thương với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam trong thời hạn hai năm theo quy định tại Hiệp định.
Nhằm duy trì chế độ bù nhìn, phản động của mình, Mỹ – Diệm ra sức đàn áp những người yêu nước và phong trào cách mạng ở miền Nam. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình miền Nam và từ những yêu cầu tất yếu của cách mạng trong tình hình mới, năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị, sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
Để khẳng định sự chính danh và tăng cường thống nhất sự lãnh đạo cách mạng trong toàn miền, việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một yêu cầu cấp bách.
Sau chiến thắng Tua Hai (ngày 26/1/1960) tại Tây Ninh, cơ quan Xứ ủy Nam kỳ dời về căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) và xúc tiến việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Để phục vụ cho việc tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (được thành lập ngày 20/12/1960) và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, Ban tuyên huấn Xứ ủy đã giao đồng chí Đỗ Văn Ba, nguyên phụ trách chi nhánh Việt Nam Thông tấn xã Nam Bộ trong thời kháng chiến chống Pháp, chịu tránh nhiệm về nhân sự, phương tiện kỹ thuật… chuẩn bị cho sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng.
Sau một thời gian ngắn chuẩn bị về lực lượng và phương tiện, đúng 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), qua chiếc máy phát sóng 15 wat, Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên của mình, đánh dấu sự ra đời và thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, anh dũng trên mặt trận, duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình thống nhất nước nhà đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.
Thông tấn xã Giải phóng đã nhanh chóng chuyển toàn bộ văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra Việt Nam Thông tấn xã, từ đó phát ra thế giới để thông báo về sự ra đời của một tổ chức chính trị có quyền trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, để cổ vũ, động viên, tập hợp mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân miền Nam yêu nước chống Mỹ và bè lũ tay sai.
Bản tin tiếng Việt có tiêu đề là Giải phóng xã (GPX), phát đối ngoại với hô hiệu tiếng Anh là LPA (Libération Press Agency) phát trên sóng điện 31 mét. Dưới tiêu đề có ghi “Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam”.
Bản tin của Thông tấn xã Giải phóng phát ra Hà Nội đều đặn vào 18 giờ hàng ngày đã trở thành nguồn thông tin không thể thiếu của nhiều cơ quan thông tin ở Việt Nam và ở nước ngoài (phần lớn thông qua Việt Nam Thông tấn xã) lúc bấy giờ, cũng như đối với những người quan tâm tình hình miền Nam Việt Nam trước ngày thống nhất đất nước.
Sau này, ngày 12/10 được lấy là ngày truyền thống của Thông tấn xã Giải phóng và của các đơn vị kế thừa ngày nay: Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam và Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Đến thực hiện nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa lịch sử
Chiều 30/4/1975, Thông tấn xã Giải phóng đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa lịch sử của một cơ quan thông tấn cách mạng miền Nam Việt Nam, đó là tiếp quản Việt tấn xã (Cơ quan thông tấn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa).
Ngày 12/5/1976 là thời khắc lịch sử của ngành thông tấn cách mạng. Việt Nam Thông tấn xã cùng Thông tấn xã Giải phóng, hai người anh em ruột thịt, tuy hai mà một, đã chính thức hợp nhất với tên gọi là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hơn 15 năm thành lập và phát triển trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, Thông tấn xã Giải phóng tự hào đã có mặt từ những ngày đầu đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của toàn dân tộc, hoàn thành hết sức đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang ghi lại lịch sử và trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần tích cực vào trang sử oanh liệt của quân và dân miền Nam anh dũng, bất khuất, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Với việc thực hiện hết sức đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ thông tin và trực tiếp tham gia chiến đấu với những chiến công và hi sinh to lớn trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ chống ngoại xâm, Thông tấn xã Giải phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.
Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam và Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung – Tây Nguyên là những đơn vị thuộc TTXVN đang được Tổng giám đốc TTXVN ủy quyền quản lý, chỉ đạo hoạt động của 34 cơ quan thường trú và các chi nhánh, phòng đại diện của các đơn vị khác thuộc TTXVN trên địa bàn quản lý trước đây của Thông tấn xã Giải phóng.
Hai cơ quan khu vực này đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đầy tự hào của Thông tấn xã Giải phóng, góp phần xây dựng TTXVN ngày càng phát triển mạnh, luôn xứng đáng là trung tâm thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước.
Trong lời ra mắt, Thông tấn xã Giải phóng trịnh trọng thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới: “Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.
Ngoài ra, Giải phóng xã cũng sẽ cung cấp một số tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng”.
Thực hiện tôn chỉ, chức năng và nhiệm vụ đó, trong suốt hơn 15 năm ra đời và phát triển, Thông tấn xã Giải phóng luôn đi tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền; trở thành cơ quan chủ lực trong khối thông tấn báo chí cách mạng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn đầu thống nhất đất nước.
Với tư cách là cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng đã thông tin “đúng sự thật, đúng sự lãnh đạo của Đảng”, trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, mạnh mẽ, góp phần cực kỳ quan trọng làm nên những chiến công chói lọi của dân tộc ta đi tới ngày thống nhất đất nước.
Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù, Thông tấn xã Giải phóng phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần: Khi ở chiến khu Tây Ninh (năm 1960), lúc dời sang Mã Đà (địa phận Đồng Nai) thuộc Chiến khu Đ (đầu năm 1961), rồi quay lại Tây Ninh (cuối năm 1961), có lúc ở giáp biên giới Campuchia và thậm chí còn ở tạm trên đất Campuchia khi Mỹ mở rộng chiến tranh Đông Dương (năm 1971) và chuyển về lại Tây Ninh sau khi ký Hiệp định Paris (năm 1973).
Cùng trong cảnh bom đạn ác liệt, các phân xã trên toàn miền Nam cũng liên tục thay đổi trụ sở do bị Mỹ – ngụy tấn công tận nơi làm việc. Có phân xã nhiều lần bị hy sinh toàn bộ, nên phải thành lập mới và chuyển nơi trú đóng, như: Phân xã Long An 3 lần bị xóa sổ, phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) 5 lần bị xóa sổ. Riêng phân xã Kiên Giang dù chưa xác minh đủ nhưng đã có 16 cán bộ, phóng viên hy sinh.
Ở Khu V, Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ cũng phải dời địa điểm nhiều lần theo Ban tuyên huấn Khu ủy V, chuyển từ Trung Mang, huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang) đến Tắk Pỏ; Nước Là; Sông Thanh, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1970 đến đầu năm 1973 chuyển theo Khu ủy V về Nước Oa, huyện Trà My. Từ năm 1973 đến cuối tháng 3/1975, Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ lại chuyển đến trú đóng gần Khu ủy V tại xã Phước Trà, huyện Phước Sơn (nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam–là nơi đóng căn cứ cuối cùng của Khu ủy V).
Ngay sau khi ra đời, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật nhưng Thông tấn xã Giải phóng đã trụ vững và trưởng thành, không ngừng phát triển cả về tổ chức và lực lượng trên khắp miền Nam.
Về tổ chức, Thông tấn xã Giải phóng có bộ phận Tổng xã ở chiến khu Dương Minh Châu (địa bàn trú đóng của Trung ương cục miền Nam – thường gọi là R thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh) và các phân xã ở các khu vực trong toàn miền Nam.
Tại Tổng xã, Thông tấn xã Giải phóng có các bộ phận: Nghiệp vụ tin (B7), ảnh (B22), kỹ thuật điện báo (B8), đào tạo (B23). Ngoài ra còn có bộ phận chuyên trách theo dõi, tổng hợp nguồn tin của các hãng thông tấn trên thế giới như AP (Mỹ), Reuters (Anh), AFP (Pháp), Kyodo (Nhật)… để làm tin tham khảo, làm báo cáo nội bộ cho lãnh đạo…
Trong từng bộ phận cũng chia thành nhiều đơn vị chuyên sâu như B7 gồm có B7/1 là Ban giám đốc và bộ phận nghiên cứu tổng hợp, B7/2 là văn phòng và tài vụ, B7/3 là thông tin và tư liệu (Trong B7/3 lại xây dựng và mở rộng thêm nhiều đơn vị chuyên sâu như Phòng nhiếp ảnh thành lập năm 1965 – thường gọi là Nhiếp ảnh Giải phóng, năm 1966 thành lập các phòng tin thế giới, tin trong nước, tin đối ngoại; năm 1973 thành lập các phòng: tham khảo thế giới, tin quân sự, tin chính trị, tin binh vận, tin đô thị…). Bộ phận kỹ thuật điện báo (B8) gồm B8/1 là kỹ thuật và B8/2 là báo vụ. Ngoài ra ở Tổng xã của Thông tấn xã Giải phóng còn có bộ phận điện đàm đặc biệt phục vụ riêng Ban tuyên huấn và Thường vụ Trung ương cục miền Nam.
Ngoài Tổng xã tại Trung ương cục miền Nam, Thông tấn xã Giải phóng còn xây dựng các phân xã (thường gọi các T) ở khắp miền Nam, trong đó lực lượng đông và hoạt động mạnh nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ, khu Sài Gòn – Gia Định, Tây Nam Bộ, Trung Trung Bộ… Hệ thống phân xã này chịu sự quản lý trực tiếp về nhân sự, sinh hoạt đảng – đoàn của ban tuyên huấn các khu, tỉnh – thành từ Cà Mau đến Quảng Trị.
Các phân xã được bố trí từ 1– 2 báo vụ là lực lượng trực tiếp truyền tin, ảnh từ cơ sở, nhất là thông tin nóng từ các chiến trường miền Nam và tin nóng từ trung tâm đô thị Sài Gòn cho Tổng xã phát trên các bản tin hàng ngày của Thông tấn xã Giải phóng và cung cấp trực tiếp cho Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội và Đài phát thanh Giải phóng…
Cùng đó, Thông tấn xã Giải phóng cũng có bộ phận thông tấn thuộc Cục chính trị Quân giải phóng miền. Ở cả Nam Bộ và Trung Bộ, Thông tấn xã Giải phóng còn có hệ thống các đài minh ngữ phát hàng ngày nhiều thông tin phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và lãnh đạo.
Đài Minh ngữ Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ ra đời cuối năm 1960. Ngoài đáp ứng yêu cầu truyền tải tin tức phục vụ lãnh đạo cách mạng ở các tỉnh Liên khu V, đài thường xuyên làm nhiệm vụ truyền về Tổng xã tin, bài của Thông tấn xã Giải phóng về tình hình chiến trường ở Khu V.
Lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng đầu tiên là nhà báo Tân Đức, Ủy viên Ban tuyên huấn Trung ương cục (đồng chí Nguyễn Văn Linh – Bí thư Trung ương cục làm Trưởng ban) phụ trách Thông tấn xã Giải phóng từ năm 1960 đến năm 1965. Đồng chí Võ Nhân Lý, Phó tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã được cử vào Nam nhận nhiệm vụ Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng từ năm 1965 đến năm 1973.
Đồng chí Trần Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Việt Nam Thông tấn xã tăng cường vào Nam năm 1973 và kiêm nhiệm Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng từ năm 1973 đến khi sáp nhập Thông tấn xã Giải phóng với Việt Nam Thông tấn xã thành TTXVN năm 1976.
Ở Khu V, đồng chí Võ Thế Ái là người đầu tiên phụ trách Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ (đến năm 1971). Để mở rộng địa bàn hoạt động của Thông tấn xã Giải phóng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ngày 30/4/19, đồng chí Vũ Đảo (trưởng đoàn) và 7 phóng viên, kỹ thuật viên được Việt Nam Thông tấn xã tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng vào công tác tại liên tỉnh Phú Yên–Khánh Hòa. Qua nhiều lần bổ sung nhân lực, vật lực, đến đầu năm 1973, khi được tăng cường thiết bị kỹ thuật mới từ miền Bắc vào, Thông tấn xã Giải phóng ở khu vực miền Trung có số lượng phóng viên, kỹ thật viên nhiều và năng lực tác nghiệp tốt gần bằng với khu vực Tổng xã tại miền Nam.
Số lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… của Thông tấn xã Giải phóng biến động mạnh do bị hi sinh và cũng được tăng cường nhiều. Lực lượng ban đầu chủ yếu là cán bộ tại chỗ của các đơn vị thuộc Xứ ủy Nam kỳ cũ và tiếp đó là của Trung ương cục miền Nam. Từ năm 1965 trở đi thì nhân lực Thông tấn xã Giải phóng tăng nhanh cả về thông tin cũng như về kỹ thuật nhờ các nguồn: tuyển từ ban tuyên huấn các khu, tỉnh – thành, mở lớp đào tạo và bồi dưỡng tại chỗ và đặc biệt là nguồn tăng viện từ Việt Nam Thông tấn xã ở miền Bắc đưa vào các năm 1965, 1966, 1973.
Ở Khu V, trong hai năm 1971–1972, các phóng viên Dương Đức Quảng, Hoàng Chu, Hoàng Chung, Hồ Phước Huề, Thanh Tụng, Hồng Phấn và 4 điện báo viên và một số kỹ thuật viên được cử đi các mặt trận Quảng Đà, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum… Năm 1972, khi mặt trận Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt thì lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng được tăng cường, bám trụ khắp từ Quảng Trị đến Bình Thuận, lên Kon Tum, Buôn Ma Thuột. Vì vậy, trước trận đánh mở màn giải phóng Buôn Ma Thuột thì lực lượng tại chỗ của Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Nguyên đã có không dưới 10 phóng viên và kỹ thuật viên kịp thời theo sát các cánh quân của chiến dịch.
Vào thời điểm cuối năm 1974, Thông tấn xã Giải phóng có 441 người.
Với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt”, từ lúc ra đời chỉ có một số máy phát 15 watt, Thông tấn xã Giải phóng không ngừng nỗ lực vượt khó, cải tiến phương tiện kỹ thuật tại chỗ và tiếp nhận các phương tiện kỹ thuật mới được tăng cường, hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Nhờ vậy mà Thông tấn xã Giải phóng nhanh chóng trở thành cơ quan thông tấn báo chí có phương tiện kỹ thuật tốt và có tính bảo mật cao nhất trong khối thông tin báo chí cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ.
Năm 1965, Thông tấn xã Giải phóng đã chủ động hoàn toàn kỹ thuật làm ảnh trong vùng kháng chiến. Năm 1966, hệ thống tín hiệu điện đàm chuyển phát tin, ảnh và nhận tin, ảnh báo chí đã phục vụ tốt công tác thông tin trong toàn miền Nam cũng như nhận – chuyển cho Hà Nội.
Đặc biệt năm 1973, Thông tấn xã Giải phóng đã nhận các bộ thiết bị teletype, telephoto hiện đại nhất lúc bấy giờ do Cộng hòa dân chủ Đức tặng cùng với một đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật chuyên cơ điện tử sử dụng thành thạo các thiết bị này. Nhờ đó, Thông tấn xã Giải phóng đã thu–phát được tin, ảnh nhanh nhất, chất lượng cao nhất trong thông tin báo chí.
Bài 2: Xung kích trên mặt trận thông tin