Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang tham dự với tư cách là khách mời của Hãng thông tấn TASS - đối tác thông tin của Diễn đàn và của TTXVN tại phiên thảo luận giữa lãnh đạo của 28 hãng thông tấn, cơ quan báo chí hàng đầu trên thế giới về đề tài "Truyền thông trong các cuộc xung đột thế giới. Bên tham gia và Người quan sát".
Điều hành Diễn đàn có Phó Tổng giám đốc thứ nhất TASS Mikhail Gusman và Giám đốc điều hành (CEO) của Hãng thông tấn PA của Anh Clive Marshall. Các diễn giả của phiên thảo luận bao gồm Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hãng thông tấn AFP của Pháp Fabrice Fries, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hãng AP của Mỹ Gary Pruit, Tổng giám đốc Hãng TASS Sergey Mikhaylov, Trưởng ban Quốc tế Hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE Jose Manuel Sanz, Tổng giám đốc Hãng thông tấn Albania ATA Armela Krasniqi, Trưởng ban biên tập của Hãng thông tấn Kyodo Hiroki Sugita.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng giám đốc TASS M.Gusman chỉ ra rằng tình hình thế giới hiện nay đang chứng kiến nhiều cuộc xung đột lớn gây tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí. Hoạt động tác nghiệp ngày càng nguy hiểm hơn, "độc hại" hơn, "hỗn loạn" hơn, trong năm qua nghề báo đã mất đi nhiều nhà báo khi tác nghiệp tại các tình huống xung đột. Điều đó đặt ra vấn đề về vai trò và chức năng của các nhà báo, liệu có còn giới hạn trong việc đưa tin thuần túy về các cuộc xung đột? Liệu báo chí có phải là quyền lực thứ tư, có trách nhiệm đối với nền hòa bình và cả sự nghiệp gìn giữ hòa bình, có trách nhiệm và ảnh hưởng đến chính trị thế giới?
Về phần mình, Tổng giám đốc Hãng thông tấn TASS Sergey Mikhaylov cho rằng trong các cuộc xung đột các hãng thông tấn không những phải tôn trọng nguyên tắc “sự thật” của báo chí mà còn phải giúp ngăn chặn xung đột. Thực tế trên thế giới hiện nay cho thấy báo chí có khả năng đẩy các cuộc đối đầu thành xung đột và ngược lại cũng có thể ngăn chặn các cuộc xung đột và khủng hoảng tiềm tàng. Khi đưa tin về xung đột hay khủng hoảng nhà báo không đơn thuần mang tư cách người quan sát mà phải là người quan sát có trách nhiệm, thể hiện ở nguyên tắc làm việc: không bao giờ cổ vũ bạo lực, không gây hoảng loạn xã hội bằng thông tin của mình.
Nhắc lại định nghĩa ban đầu của thuật ngữ thịnh hành hiện nay "tin giả" chính là "nói dối", Tổng giám đốc S.Mikhaylov kêu gọi các nhà báo cần thể hiện trung thực với độc giả, với khách hàng và cả các chính trị gia, lấy sự thật làm cơ sở trong hoạt động, từ đó góp phần giảm xung đột trên thế giới, tăng cơ hội phát triển thông qua sáng tạo.
Trong phần trao đổi, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hãng thông tấn DPA của Đức Peter Kropsch cho rằng trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, thậm chí cạnh tranh với cả các kênh truyền thông chính thống, các hãng thông tấn càng cần phải thực hiện thật tốt vai trò quan trọng là nhà cung cấp thông tin có kiểm chứng và có trách nhiệm. Trong xung đột hay trong giải quyết các vấn đề, quyết định được đưa ra là nhờ có căn cứ thực tế và báo chí chính là kênh có thể đóng góp vào việc truyền đi các căn cứ thực tiễn đó đến với độc giả và xã hội.
Từ một góc nhìn khác, đại diện Hãng thông tấn Kyodo Hiroky Sugita nói Nhật Bản là một nước đã trải qua chiến tranh trong quá khứ, hiện nay đất nước này vẫn đang phải đương đầu với xung đột. Trong các cuộc xung đột, phóng viên có mặt tại điểm nóng để phản ánh tình hình thực tế. Tuy nhiên, phóng viên cũng cần phải có đánh giá riêng của mình về tình hình và có trách nhiệm giải thích các nguyên nhân dẫn tới xung đột.
Thông tin phản ánh sự thật, đồng thời phải làm cho người tiếp nhận thông tin bình tĩnh và từ đó tìm ra giải pháp cho xung đột. Ông cũng đề cập tới "bản lĩnh" truyền thông bởi nhà báo luôn luôn đối mặt với các "cạm bẫy" trong tình huống xung đột, có nguy cơ bị biến thành công cụ để tuyên truyền, hoặc phục vụ cho mục đích, kể cả mục đích thương mại.
Người đứng đầu Hãng AP Gary Pruit và Chủ tịch AFP Fabrice Fries, trong phát biểu tại phiên thảo luận, đã nhắc tới lịch sử ra đời và sứ mệnh của báo chí đó là giúp công chúng được tiếp cận thông tin một cách rộng rãi hơn và từ đó có một cuộc sống thoải mái hơn. Một nhà báo hay một tổ chức báo chí một khi đã cung cấp thông tin giả sẽ không bao giờ có được lòng tin của công chúng. Chỉ khi xuất phát từ sự thật, các nhà báo mới có thể chinh phục và thu hút được độc giả.
Sức mạnh của báo chí chính là sự trung thực. Trung thực cũng là uy tín của một thương hiệu báo chí. Vì vậy các tổ chức báo chí, trong mọi hoàn cảnh, cần phải tiếp cận và dựa vào các nguồn tin đáng tin cậy. Chủ tịch AFP cũng khẳng định không chỉ phóng viên ở hiện trường mà ngay cả các biên tập viên cũng cần phải tuân thủ những quy định mang tính nguyên tắc của báo chí, đó là kiểm chứng các nguồn thông tin để khi thông tin được phổ biến tới công chúng phải là sự thật. Và theo đó, cả hai diễn giả cho rằng báo chí không nên là bên tham gia vào các cuộc xung đột.
Với các kỹ năng nghề nghiệp của mình, đại diện EFE cho rằng chứng kiến và đưa tin sự kiện là chưa đủ, các nhà báo còn cần đặt sự kiện trong tiến trình phát triển để lý giải nguyên nhân của xung đột, giúp công chúng định hướng được trong sự kiện, trong các tình huống xung đột. Có như vậy, báo chí mới thực hiện được sứ mệnh quan trọng của mình.