Thu hẹp đối tượng tạm hoãn nhập ngũ

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Nghĩa vụ quân sự sáng 14/8, đa số ý kiến cho rằng, mọi công dân nam phải thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) nhưng được lựa chọn thời điểm thực hiện phù hợp với từng trường hợp và hoàn cảnh.


Tăng thời hạn tại ngũ


Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng; hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi đề nghị thống nhất quy định chung một thời hạn là 24 tháng để bảo đảm chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh:Phương Hoa - TTXVN


Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không Không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng sẽ không đủ thời gian huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, giáo dục chính trị...; không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.


Mặt khác, do Luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (18 tháng và 24 tháng), nên việc hàng năm phải tổ chức tuyển quân, giải quyết xuất ngũ hai đợt đã chi phối, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của quân đội, các địa phương, đơn vị, gây tốn kém về vật chất và thời gian.


“Để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng, không phân biệt thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là cần thiết”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định.


Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Luật nên quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 18 tháng. Quy định như vậy vừa đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đồng thời thực hiện các nguyên tắc cơ bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp.


Công dân từ 18 - 25 tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự


Về độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Cần thiết quy định mọi công dân trong độ tuổi (từ 18 đến 25 tuổi) phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa thể hiện trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc vừa là rèn luyện, nâng cao ý thức sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, Luật NVQS hiện hành quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình quá rộng, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xét duyệt, gọi nhập ngũ. Một số công dân đã lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, gây bất bình trong nhân dân và ảnh hưởng đến chất lượng tuyển quân.


“Chính vì vậy, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Việc thu hẹp này nhằm nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.


Cụ thể, đối với công dân đang học chương trình đào tạo đại học được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau khi tốt nghiệp sẽ gọi nhập ngũ. Riêng công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc các cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để sau khi xuất ngũ được các nhà trường tiếp nhận lại.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn là hợp lý. Tuy nhiên Ủy ban đề nghị không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học hệ chính quy để bảo đảm sự bình đẳng. Ông Khoa cũng cho rằng, dự thảo Luật cũng cần nghiên cứu quy định độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao thực hiện NVQS tại ngũ; khắc phục tình trạng đối tượng nhập ngũ chủ yếu chỉ tập trung vào con em nông dân, tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.


Cho rằng việc thực hiện NVQS không chỉ là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà còn nâng cao nhận thức thế hệ trẻ về trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai đề xuất cần có nguyên tắc quy định đến tuổi thì phải thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, bà Mai cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng bổ sung thêm một đối tượng được miễn thực hiện NVQS. Đó là con của người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học từ 81% trở lên vì theo đối tượng này phải có người phục vụ.


Thu Phương

Thanh niên các dân tộc Điện Biên hăng hái lên đường nhập ngũ
Thanh niên các dân tộc Điện Biên hăng hái lên đường nhập ngũ

Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những thanh niên dân tộc tỉnh Điện Biên tự hào khoác lên mình màu xanh áo lính, thực hiện trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN