Hội thảo diễn ra đúng vào dịp Kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế năm 2021 với chủ đề "Bình đẳng - Giảm bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền".
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã trả lời báo chí về việc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có các khuyến nghị theo UPR mà Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III năm 2019.
Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết những thành tựu trong thực hiện quyền con người của Việt Nam thời gian gần đây?
Việt Nam luôn luôn khẳng định thực hiện cam kết quốc tế của mình theo những Công ước đã tham gia. Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người; cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Tuyên ngôn nhân quyền và các Công ước quốc tế đó. Việc thực hiện các nghĩa vụ này cũng nhằm thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19 hiện nay.
Có thể nói, xuyên suốt chính sách của chúng ta trong việc bảo vệ người đó chính là coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, những chính sách này thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định, điều quan trọng nhất là làm sao "lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân"; không hy sinh những mục tiêu về an sinh xã hội, không hy sinh những mục tiêu về môi trường, biến đổi khí hậu để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tôi cho rằng đây là những ví dụ mạnh mẽ nhất, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.
Bên cạnh đó, ngoài việc bảo vệ cho nhân dân ta, con người Việt Nam, chúng ta cũng đang nỗ lực đóng góp bảo vệ những giá trị quyền con người phổ quát thông qua việc tham gia đóng góp vào các nội dung lớn mà các cơ chế, tổ chức quốc tế đa phương đang thảo luận, xem xét. Chúng ta cũng đang tích cực đóng góp với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Những đóng góp của chúng ta trong thời gian qua, thể hiện Việt Nam thực sự mong muốn mỗi người dân trên thế giới có quyền được sống trong hòa bình, trong phát triển ổn định. Chúng tôi cho rằng, đây là những hành động cụ thể nhất mà Việt Nam đã triển khai, vừa đóng góp vào việc bảo vệ quyền con người trên thế giới, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam. Đây là trách nhiệm cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua.
Thưa Thứ trưởng, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện báo cáo giữa kỳ về việc tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR và cũng là một trong số rất ít nước tự nguyện làm báo cáo này. Vậy điều này thể hiện cam kết như thế nào của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR?
Đây là một báo cáo tự nguyện. Tuy là báo cáo tự nguyện giữa kỳ, tôi cho đây cũng là việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực. Qua đó, chúng ta có thể có cơ hội để rà soát, đánh giá lại tất cả chính sách, tất cả những chủ trương, đường lối và quan trọng hơn là quá trình thực hiện các chính sách đó như thế nào. Qua việc rà soát, có thể tìm ra, đánh giá được những gì chúng ta làm tốt, những gì phải làm tốt hơn nữa, và sẽ có những điều chỉnh chính sách phù hợp, làm sao đảm bảo tất cả người dân của chúng ta được bảo vệ, được tôn trọng và có quyền được sống, học tập, bảo đảm tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Đấy là những nội dung, tôi cho là rất quan trọng, chính là để cho bản thân chúng ta, chứ không phải chỉ cho cộng đồng quốc tế, để đảm bảo đảm cuộc sống của nhân dân, của chính mình. Vì vậy, cơ chế báo cáo giữa kỳ tự nguyện này, thực chất là để phục vụ cho mục tiêu của chúng ta hơn là cho mục đích quốc tế.
Tất nhiên, trong quá trình này, các đối tác quốc tế cũng có tham mưu, tham vấn, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt để chúng ta có thể làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Bởi vậy, báo cáo giữa kỳ này có nghĩa rất quan trọng và báo cáo này cũng nhận được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị tham gia đóng góp để có một bản báo cáo rà soát tổng thể nhất, toàn diện nhất và qua đó đưa ra những khuyến nghị lên Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những điều chỉnh, thay đổi và quan trọng nhất là thực hiện tốt hơn nữa những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước để bảo vệ quyền con người.
Với những nỗ lực về việc thực hiện quyền con người của mình, đầu năm nay, các nước ASEAN đã lựa chọn Việt Nam làm đại diện để tiếp tục ứng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ tiếp theo. Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về sự lựa chọn này của các nước ASEAN?
Chúng ta đã một lần đảm nhiệm vị trí, vai trò là Thành viên Hội đồng Nhân quyền và đã làm rất tốt trách nhiệm của mình. Lần này, chúng ta cũng mong muốn tiếp tục được bầu lại làm Thành viên Hội đồng Nhân quyền trong nhiệm kỳ 2023-2025 sắp tới. Có thể nói, điều này thể hiện cam kết quốc tế mạnh mẽ của chúng ta trong việc đóng góp hơn nữa vào công việc chung quốc tế, thể hiện Việt Nam là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việc ASEAN thống nhất đồng thuận chúng ta ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền cũng là thể hiện sự coi trọng của ASEAN với những đóng góp của Việt Nam trước đây và tin tưởng vào những đóng góp trong thời gian sắp tới. Tôi tin tưởng rằng, ngoài ASEAN, sẽ còn nhiều nước, nhiều nhóm nước nữa cũng sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền.
Việt Nam cũng cam kết với cộng đồng quốc tế rằng sẽ làm hết sức mình, nỗ lực để bảo vệ những giá trị phổ quát về quyền con người, nâng cao hơn nữa những nỗ lực của Liên hợp quốc, của các cơ chế của Liên hợp quốc về thúc đẩy việc bảo vệ người trên toàn thế giới.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!