Đã qua 4 lần cải cách tiền lương và năm nào ngân sách nhà nước cũng bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để nâng mức lương tối thiểu nhưng tiền lương hầu như không giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cải cách tiền lương - đặc biệt là chính sách tiền lương đối với khối hành chính nhà nước, là yêu cầu bức thiết, từng được nâng lên, đặt xuống rất nhiều lần, được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc họp. Một đề án về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công đã được Bộ Nội vụ soạn thảo nhưng không khả thi do thiếu nguồn, được cất kỹ mấy năm qua. Gần đây, một lần nữa, việc cải cách tiền lương lại được xới xáo. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về các định hướng cải cách này.
* Thưa Thứ trưởng, về cải cách tiền lương, quan điểm của ông như thế nào?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để xây dựng Đề án cải cách tiền lương. Việc Bộ Nội vụ tổ chức các hội thảo cũng là muốn lắng nghe, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học về quan điểm, phương hướng cải cách tiền lương. Theo tôi, muốn cải cách tiền lương, việc đầu tiên phải làm là thay đổi lại nhận thức về vai trò và bản chất của tiền lương trong điều kiện kinh tế thị trường, gắn với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ. Đừng bao giờ coi nâng lương tối thiểu là giải pháp cải cách, đó chỉ đơn thuần là bù đắp lại phần tiền lương bị mất đi do chỉ số giá tiêu dùng tăng lên mà thôi; và nên sửa lại sự nhầm lẫn gọi tiền lương tối thiểu là tiền lương cơ sở. Tiền lương, tiền công được trả trong sản xuất, kinh doanh thì tăng giảm theo các quy luật của thị trường và có tính cạnh tranh. Còn tiền lương trả trong nền công vụ thì hoàn toàn khác, nó tương đối ổn định, nhưng mức lương không thể như ở doanh nghiệp được. Tiền lương trả cho công chức là tiền của người dân và doanh nghiệp đóng thuế, công chức phải có bổn phận phục vụ chu đáo. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng chế độ tiền lương hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Việc thứ hai là phải phân định rõ cơ chế chi trả tiền lương với cơ chế chi trả bảo hiểm xã hội, tách bạch chính sách tiền lương khu vực tự trang trải với khu vực ngân sách chi trả. Thứ ba là cải cách tiền lương phải gắn với các yêu cầu, giải pháp và nhiệm vụ của cải cách hành chính, cải cách công vụ. Việc này phải được tiến hành đồng bộ với xác định vị trí việc làm, quản lý chặt chẽ biên chế, tinh giản biên chế, thực hiện công bằng việc tuyển chọn, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức... Và cuối cùng là làm sao tiền lương của cán bộ, công chức đủ để họ sống và yên tâm làm việc, không phải lo lắng gì đến vấn đề cơm áo, gạo tiền nhưng cũng phải đảm bảo được điều kiện phát triển kinh tế của đất nước và khả năng chi trả của ngân sách. Còn một số quan điểm cho rằng phải đi vay tiền để trả lương cho công chức theo tôi là không chuẩn, không nên đưa ra làm gì.
* Một thực tế là đề án cải cách tiền lương đã được đưa ra rất nhiều năm nay rồi mà vẫn không thực hiện được, theo ông lần này chúng ta sẽ thay đổi theo hướng như thế nào?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Vì trước đây chúng ta vẫn nghĩ theo "lối mòn", cho rằng cải cách tiền lương là nâng lương tối thiểu và chỉ chú trọng đơn thuần đến nguồn chi trả lương. Mặt khác, cải cách tiền lương vẫn luôn song hành với cải cách bảo hiểm xã hội và tiến hành đồng thời với chính sách người có công. Việc tiến hành ba trong một như vậy luôn vấp phải trở ngại là không có đủ nguồn và bị lẫn lộn về cơ chế. Đó là người làm việc thì hưởng tiền lương; bảo hiểm xã hội thì phải gắn với nguyên tắc đóng - hưởng. Còn chính sách người có công là chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước, là đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, thể hiện không chỉ đơn thuần là vật chất mà còn cả về phương diện tinh thần. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, bây giờ chúng ta cần thay đổi lại tư duy, nhận thức về cải cách tiền lương, bảo đảm phù hợp với điều kiện và bối cảnh hiện nay. Tôi cho rằng, đó là việc đầu tiên phải làm trước khi xác định phương hướng cải cách tiền lương.
* Có người cho rằng nên trả lương công chức theo cơ chế thị trường, ông suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Cơ chế thị trường chỉ là áp dụng đối với khu vực sản xuất kinh doanh. Một số ưu điểm về chi trả lương của khu vực doanh nghiệp có thể nghiên cứu để áp dụng vào khu vực công vụ. Tuy nhiên, không thể thực hiện việc trả lương theo cơ chế thị trường đối với chế độ công vụ, công chức được, bởi vì những người tham gia vào chế độ công vụ, công chức là những người tự nguyện gia nhập đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ nhân dân, chế độ tiền lương được quy định thực hiện thống nhất trong cả hệ thống các cơ quan nhà nước. Nếu đồng ý thì tuyển và ngược lại.
Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho họ có tiền lương hợp lý, đủ để họ yên tâm công tác. Tôi vẫn nói với mọi người là muốn làm giàu hoặc lương cao thì nên chuyển sang khu vực sản xuất kinh doanh. Còn trong khu vực công vụ, công chức, tôi nghĩ rằng tiền lương cần được Nhà nước đảm bảo để cán bộ, công chức đủ sống, yên tâm làm việc phục vụ nhân dân. Tất nhiên là nó phải gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước, gắn với khả năng chi trả của ngân sách, chúng tôi suy nghĩ theo hướng như vậy.
Tuy vậy, có thể học một số điểm về chế độ đãi ngộ và cơ chế quản lý của khu vực doanh nghiệp để áp dụng vào khu vực công như thu hút trọng dụng nhân tài, đãi ngộ người làm việc tốt, kiên quyết đào thải người không đáp ứng công việc, thực hiện chế độ hợp đồng đối với một số hoạt động công vụ...
* Như thế liệu chúng ta có cào bằng quá không, vì thực ra mình cũng coi như phải mua chất xám của cán bộ, công chức đấy?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn:Trong chuyện này, tôi nghĩ sẽ là rất sai khi đặt quan hệ mua bán trong nền công vụ. Nền công vụ đã có pháp luật quy định về cơ chế tuyển chọn. Người được tuyển chọn vào công chức đòi hỏi phải chấp nhận các quy định đã được Nhà nước ban hành, yêu cầu phải có tinh thần trách nhiệm, tận tụy và đòi hỏi sự cống hiến. Rất nhiều người giỏi có năng lực tham gia hoạt động công vụ hoàn toàn không phải để đòi hỏi một mức tiền lương cao. Điều mà họ mong muốn là môi trường làm việc để cống hiến, sau nữa mới là vì sự bền vững về việc làm. Cái đó là cái chính chứ không phải để có lương cao hoặc là để làm giàu.
Tuy nhiên, xin nhắc lại là Nhà nước vẫn có trách nhiệm bảo đảm một mức lương phù hợp để họ có thể sống ổn định; nếu muốn lương cao thì sang doanh nghiệp. Ai mà nghĩ rằng vào công chức để mà làm giàu thì sai và rất sai.
* Trân trọng cảm ơn ông!