Một trong những vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn là tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
6.191 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, từ 1976 - 1986 chủ yếu sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng hợp nhất. Sau 10 năm đó, cả nước có 451 đơn vị hành chính cấp huyện.
Nhưng từ 1986 đến nay chủ yếu là chia tách với nhiều lý do như rộng lớn quá, cán bộ không đủ năng lực để quán xuyến, mất đoàn kết nội bộ, mang tính vùng miền hay chia tách để phát triển kinh tế - xã hội… Tổng số đơn vị hành chính cấp huyện qua 30 năm đã tăng 277 đơn vị và cấp xã tăng 1.505 đơn vị.
“Con số khủng khiếp! Điều đó dẫn đến bộ máy cồng kềnh, biên chế tăng, gánh nặng ngân sách ngày một tăng lên, mỗi lần cải cách tiền lương không có nguồn kinh phí, cán bộ công chức chia đều ra mỗi người ai cũng có lương nhưng không ai sống bằng lương, ai cũng kêu lương thấp”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chỉ ra thực tế.
Theo ông Tuấn, chia tách dễ hơn, ai cũng hân hoan, nhưng sáp nhập là không mấy ai đồng ý. Do vậy, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính phải tính toán kỹ.
Theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì hiện có tới 259/713 đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số (chiếm 36,33%); trong đó có 199 huyện (gồm 71 huyện miền núi, vùng cao; 120 huyện đồng bằng, trung du; 8 huyện hải đảo), 21 quận, 23 thành phố thuộc tỉnh và 16 thị xã.
Cấp xã cũng có tới 6.191/11.162 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn về về diện tích tự nhiên, quy mô dân số (chiếm 55,46%). Trong số đó, có 5.106 xã (gồm 1.922 xã miền núi vùng cao; 3.173 xã đồng bằng, trung du; 11 xã hải đảo), 794 phường (gồm 422 phường thuộc quận; 327 phường thuộc thành phố thuộc tỉnh; 45 phường thuộc thị xã) và 291 thị trấn.
Cân nhắc các tiêu chí
Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên phải sắp xếp, thu gọn hợp lý.
Từ năm 2022 đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.
Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đưa ra lộ trình năm 2019 thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số.
Tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính. Năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, dân số. Năm 2021, tổng kết và xây dựng đề án tổng thể sắp xếp từ năm 2022 - 2030.
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn khi việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chỉ dựa vào hai tiêu chí là dân số và diện tích.
Phân tích 6 yếu tố cơ bản để cấu thành đơn vị hành chính là lịch sử - truyền thống, địa lý - tự nhiên, dân cư - xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng đặt câu hỏi “chỉ dựa vào hai tiêu chí liệu có ổn?”.
Nếu chiểu theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận Hoàn Kiếm quá nhỏ, 5km2. Nếu đưa tiêu chí phải là 35km2 thì không làm được. Nó là truyền thống, là bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến”, ông Trần Hữu Thắng cho rằng “máy móc là nguy hiểm”, bởi nhiều phường ở Hà Nội rất nhỏ, diện tích phường quy định lớn như vậy sẽ không thể áp vào được.
Ông cho rằng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bao quát chung nhưng khi áp vào vấn đề cụ thể phải tính toán. Sắp xếp phải hết sức hợp lý và từ thực tiễn tồn tại, phát triển từng giai đoạn lịch sử nhất định để nhìn nhận một cách khách quan, khoa học với thực tiễn cuộc sống của đơn vị hành chính.
Vấn đề đặt ra là phải ổn định đơn vị hành chính để phát triển kinh tế. Phải có cách làm chắc chắn, có bước đi thích hợp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ riêng Bộ Nội vụ “gánh” Đề án khó và đụng chạm này, “có thể chậm nhưng phải chín chắn, kỹ, chặt chẽ”.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn, cần nghiên cứu sâu vào 6 yếu tố cấu thành đơn vị hành chính, đặc biệt là yếu tố phong tục tập quán, xem xét trong mối liên hệ hài hòa với tiêu chuẩn về diện tích và dân số. “Những tiêu chí về diện tích và dân số trong Nghị quyết 1211 là khá cao”, ông Đoàn nói.
Ông Đoàn cho biết, Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn thì hầu hết không đạt tiêu chí về diện tích. Lớn nhất là Ba Vì - huyện trung du miền núi cũng chỉ có hơn 200km2, không thể đạt đến con số 450km2 theo quy định của Nghị quyết.
Hầu hết các phường ở nội đô, 4 quận trung tâm hình thành từ ngàn năm nay nhưng cũng không có phường nào diện tích 5,5km2. Cả quận Hoàn Kiếm diện tích chỉ 5,5km2, dân số gần 20 vạn người.
Lớn như quận Đống Đa có 9km2, dân số 40 vạn người. Có những phường như Phúc Tân diện tích 0,76km2 nhưng hơn 20 nghìn dân. Mai Động 0,8km2 nhưng dân số 46.000 người…
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh Vũ Bá Rồng, theo Nghị quyết 1211 thì 100% đơn vị hành chính cấp huyện của Bắc Ninh không đủ tiêu chí về diện tích tự nhiên, chỉ 1/8 đơn vị đạt trên 50% tiêu chí về mặt diện tích, 7 đơn vị dưới 50%.
Cùng với đó, 100% đơn vị hành chính cấp xã không đủ điều kiện tiêu chí về diện tích. “Chúng tôi chỉ có 9/126 đơn vị hành chính cấp xã đạt trên 50% tiêu chí về diện tích. Tuy nhiên, 100% đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm trên 50% tiêu chí về mặt dân số”, ông Vũ Bá Rồng nói.
Vị lãnh đạo Sở này cho hay, Bắc Ninh trước 1975 có 106 đơn vị hành chính cấp xã, như vậy hơn 40 năm sau chỉ tăng hơn 10 đơn vị hành chính. Như vậy, yếu tố tồn tại của các đơn vị hành chính cấp xã gần như mang yếu tố lịch sử, thậm chí trước cả thời Pháp thuộc...
Đại diện tỉnh Nghệ An nêu quan điểm khi sắp xếp thành các huyện, xã mới thì cho phép lượng biên chế công viên chức cao hơn quy định, nhưng phải có giải pháp thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021 (giảm tối thiểu 10% biên chế), sau đó giảm thêm 10% nữa.
Nhưng nhập 2 huyện làm 1 thì dôi dư ít nhất 70 - 80 người, mà chỉ giảm đi 20%, chỉ giải quyết 1/3 số biên chế dôi dư. Nếu nhập 3 xã làm 1 thì thừa cán bộ của 2 xã, lên tới gần 50 cán bộ công chức.
Nếu muốn thực hiện được, cần có chủ trương, chính sách giải quyết cán bộ dôi dư cho kịp thời và phải có kinh phí. Nếu nhập cơ học, cán bộ về dồn một cục, sắp xếp sẽ rất khó.