Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ tại buổi họp |
Diệt bọ gậy chưa triệt để
Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định, giám sát độc lập của Viện tại 3 phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai), Thanh Lương (Hai Bà Trưng) và Khương Thượng (Đống Đa) cho thấy, chỉ số muỗi sau phun hóa chất bằng 0. Nghĩa là, sau phun muỗi trưởng thành đều chết hết.
"Vấn đề nằm ở chỗ bọ gậy chưa được xử lý triêt để. Đơn cử, tại phường Thịnh Liệt chỉ số chứa bọ gậy trước diệt là 26%, nhưng sau diệt bọ gậy vẫn còn 12%. Tại Thanh Lương, trước 40%, sau diệt bọ gậy là 30%. Như vậy, chỉ số bọ gậy có giảm nhưng chưa triệt để và đây chính là nguồn phát sinh muỗi , ông Trần Như Dương khẳng định.
Về nguyên tắc, phun hóa chất chỉ diệt được ngay đàn muỗi trưởng thành mang vi rút để cắt đứt đường truyền.Nếu diệt không triệt để và còn bọ gậy thì chỉ sau vài giờ, những đàn bọ gậy già tuổi sẽ nở thành muỗi và lại tràn vào nhà. Điều này lý giải vì sao người dân cho rằng việc phun hóa chất không hiệu quả, phun rồi mà muỗi vẫn còn.
Về hóa chất đang được sử dụng tại Hà Nội, ông Dương khẳng định, Deltamethrin mà Hà Nội đang sử dụng là hóa chất đầu tay được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo dùng trong diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết. Deltamethrin đã được đánh giá kỹ lưỡng trong những năm vừa qua cả về hiệu quả và tính an toàn.
Hàng năm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều tiến hành khảo nghiệm hiệu quả của hóa chất Deltamethrin trên thực địa. Kết quả cho thấy hiệu lực diệt muỗi đạt 98%, tức là đạt hiệu lực tốt theo đánh giá của WHO.
Kiểm soát hoạt động Đội xung kích, tránh đánh trống ghi tên
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. |
“Tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, các ca bệnh tại cộng đồng chưa có xu hướng đi xuống. Bộ Y tế
cảnh báo Hà Nội cần tiếp tục quan tâm hơn nữa các quận, huyện ngoại thành,
những địa bàn giáp ranh, vì
vừa rồi có xu hướng tăng ca bệnh sốt xuất huyết ở những khu vực này”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long lo ngại.
Đặc biệt, cũng cần chú ý những trường hợp người lao động mắc sốt xuất huyết từ Hà Nội về các tỉnh, những bệnh nhân này vô tình trở thành nguồn lây nên cần phải chủ động hơn trong phòng chống dịch.
Thứ trưởng Long nhấn mạnh, Hà Nội cũng cần lưu ý mùa tựu trường, kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch trong trường học. Nếu trường còn bọ gậy, còn muỗi sốt xuất huyết và truyền bệnh cho các cháu thì rất nguy hiểm.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 100. 417 ca mắc sốt xuất huyết, 84.026 trường hợp nhập viện. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 47,9%, tử vong tăng 9 trường hợp. 10 tỉnh có số mắc cao nhất chủ yếu tại miền Nam (6 tỉnh) và miền Bắc (2 tỉnh), miền Trung (2 tỉnh). Trong đó Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội có số mắc cao nhất cả nước. |
“Thống kê cho thấy, 45% trường hợp mắc sốt xuất huyết là học sinh, sinh viên. Tới đây, là thời gian nhập học của các trường, sinh viên từ các tỉnh dồn về Hà Nội nhập học thì lại càng khó khăn hơn trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Do đó, cần phải chạy đua với thời gian để phòng chống, chủ động diệt muỗi, bọ gậy, nhất là tại các trường học”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Theo Thứ trưởng Long, dù UBND Thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo rất mạnh mẽ, nhưng đâu đó chính quyền địa phương vẫn còn chưa quan tâm thực sự đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Hiệu quả công tác diệt bọ gậy phụ thuộc chủ yếu vào các Đội xung kích nhưng thực tế mới chỉ triển khai trên giấy tờ. Nguyên nhân dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn tăng chính là do chưa diệt hết được bọ gậy.
“Diệt bọ gậy là nhiệm vụ của Đội xung kích, người dân, các cấp chính quyền. Đặc biệt, cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Đội xung kích, tránh tình trạng đánh trống ghi tên nhận phụ cấp. Chúng ta đã đi đúng, đánh đúng, làm đúng trong công tác phòng chống sốt xuất huyết nhưng cần phải quyết liệt mạnh mẽ hơn”, Thứ Trường Long khẳng định.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị các ban ngành vào cuộc mạnh hơn trong việc giám sát, xử lý triệt để các ổ bọ gậy. Ngành Xây dựng cần đảm bảo công trình không trơ thành ổ nuôi muỗi, lăng quăng. Ngành Tài nguyên và Môi trường cần kiểm soát các khu vực có phế thải, khu đất xen kẹt...
Người dân cũng cần chủ động hơn trong việc tham gia phòng chống dịch bệnh, trước hết là bảo vệ chính bản thân và người xung quanh. Bởi kết quả giám sát cho thấy hiện có đến 50% hộ gia đình chỉ cho phun hóa chất ở tầng 1, trong khi chỉ 2 tiếng sau là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đã có thể bay từ tầng trên bay xuống. Ngoài ra, vẫn có tới 10 – 15% hộ gia đình vẫn từ chối phun hóa chất nhưng thực tế hóa chất diệt muỗi là an toàn, được nhiều nước sử dụng.
Tại cuộc họp, đại diện của WHO tại Việt Nam cũng khuyến cáo Việt Nam cần chú trọng các vấn đề như: Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc kiểm soát muỗi, bọ gậy; Vận động sự tham gia phòng chống dịch bệnh tích cực hơn của cộng đồng; việc phòng chống sốt xuất huyết phải thường xuyên chứ không phải đợi có dịch mới hô hào giải quyết. Mặt khác, cũng cần đầu tư dài hơi cho dịch sốt xuất huyết, cần có sự chuẩn bị hệ thống, năng lực cho cán bộ và cả cộng đồng. Đặc biệt, mạng lưới công tác viên giữ vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, diệt muỗi, bọ gậy nên cần duy trì hiệu quả hoạt động.