Trong Kỳ họp lần này, Việt Nam được bầu là Phó Chủ tịch Đại hội đồng, vậy Việt Nam sẽ làm gì để hoàn thành trọng trách này?
Vừa qua, tại Kỳ họp 42 Đại hội đồng UNESCO, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng, đại diện Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên chúng ta đảm nhận vai trò như vậy tại một trong hai cơ quan điều hành then chốt nhất của Tổ chức UNESCO. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới, sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Là đại diện cho ASEAN và Nhóm châu Á - Thái Bình Dương - Nhóm có số lượng thành viên đông, mức độ đa dạng về trình độ phát triển, chính trị, văn hóa, quy mô, quan tâm và ưu tiên khác nhau, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh mềm từ uy tín quốc gia, khả năng nắm bắt tâm tư chung, năng lực hài hòa sự khác biệt lợi ích giữa các thành viên, khả năng thương lượng, điều hành, dẫn dắt, đề xuất sáng kiến... để xây dựng sự đồng thuận, tìm giải pháp thoả đáng cho các vấn đề thiết thân của Châu Á - Thái Bình Dương và UNESCO.
Việt Nam sẽ chủ động tham gia, tích cực định hình hợp tác UNESCO trong các vấn đề quan tâm chung. Đó là đề xuất chính sách, phát huy vai trò đi đầu của UNESCO trong hợp tác đa phương về giáo dục - đào tạo, văn hóa, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, nhằm duy trì hòa bình, ứng phó với các thách thức toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia trong đẩy mạnh triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững. Đó là đóng góp vào việc triển khai các chương trình trọng tâm của UNESCO hiện nay như Chiến lược trung hạn của UNESCO giai đoạn 2022 - 2029, Chương trình và ngân sách giai đoạn 2024 - 2025, khoa học mở, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, giáo dục vì sự phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu… Đó còn là đổi mới và cải cách UNESCO, tăng cường dân chủ, minh bạch, phù hợp với xu thế chung của đa phương và nâng cao uy tín của Tổ chức.
Những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam thúc đẩy đối thoại, hợp tác và đồng thuận, tìm lời giải thoả đáng cho các vấn đề quan tâm chung trong bối cảnh tình hình quốc tế rất phức tạp, được Lãnh đạo UNESCO và các nước hoan nghênh. Điều đó không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại Việt Nam mà còn tiếp tục thể hiện sức mạnh mềm, vị thế của đất nước.
Đánh giá của Ông về đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động của UNESCO trong thời gian qua?
Trải qua 47 năm hợp tác, Việt Nam luôn được các Lãnh đạo UNESCO đánh giá là thành viên năng động, trách nhiệm. Tổng Giám đốc UNESCO đã nhận xét: “Việt Nam là một hình mẫu hợp tác hiệu quả với UNESCO”. Đặc biệt, kể từ chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Trụ sở UNESCO (11/2021) và của Tổng Giám đốc Audrey Azoulay đến Việt Nam (9/2022) với việc triển khai Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, quan hệ đối tác Việt Nam - UNESCO đã được nâng lên một tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn, đánh dấu tầm mức mới về đóng góp của Việt Nam tại UNESCO.
Thứ nhất, lần đầu tiên nước ta cùng một lúc đảm nhận vai trò tại 4 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO. Đó là Phó Chủ tịch Đại hội đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Điều này cho thấy sự tin tưởng và ủng hộ của quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại Tổ chức đa phương toàn cầu này.
Thứ hai, tham gia đóng góp ở cấp cao vào việc định hình những vấn đề chiến lược, chính sách toàn cầu là một thành công nữa của Việt Nam tại UNESCO. Vai trò tích cực của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị thế giới về chính sách văn hoá và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Lễ khai mạc Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục... được Lãnh đạo UNESCO đánh giá cao, khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của ta.
Thứ ba, Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới với sự tham dự của Tổng Giám đốc UNESCO, Lễ Kỷ niệm 20 năm Công ước 2003, Hội nghị về Khoa học, đạo đức và phát triển con người, Hội nghị về Hang động núi lửa và Công viên địa chất toàn cầu... Đáng chú ý, Hội nghị quốc tế về phát huy vai trò các danh hiệu UNESCO vì phát triển bền vững ở Việt Nam (Ninh Bình, 7/2023) là Hội nghị UNESCO đầu tiên từ trước tới nay về chủ đề này, đúng với sự quan tâm của các thành viên và xu thế UNESCO gắn kết các danh hiệu vì phát triển bền vững, đã đúc rút nhiều bài học hay, điển hình tốt, để chia sẻ trong khuôn khổ UNESCO và hữu ích cho các quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, việc chúng ta có 13 danh hiệu, di sản được UNESCO ghi danh từ năm 2021(*) cho đến nay , từ di sản vật thể, di sản tư liệu, đến di sản văn hóa phi vật thể, khu dự trữ sinh quyển thế giới, thành phố sáng tạo toàn cầu, thành phố học tập toàn cầu, các danh nhân thế giới... không chỉ thể hiện đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc Việt Nam, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của con người Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực của UNESCO trong bảo tồn di sản, các giá trị văn hóa và thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, mà còn tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ hiện nay, lợi ích kinh tế là mục tiêu cần đạt được, nhưng đôi khi lại đặt việc bảo tồn di sản trước những thách thức và nguy cơ bị đe dọa. Vậy Việt Nam sẽ làm gì để vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa bảo tồn di sản?
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rất rõ mối quan hệ lớn “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026 tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững…; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển bền vững đất nước. Có thể thấy chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta là không tăng trưởng bằng mọi giá, không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa cũng là bài toán đặt ra với tất cả các quốc gia. Theo đó, cần bảo đảm bảo tồn để phát triển và phát triển tạo động lực cho bảo tồn vì phát triển là quá trình “biến di sản thành tài sản” nhưng không phải bằng mọi giá, làm thay đổi bản chất di sản mà phải phát triển bền vững và quay trở lại phục vụ, đầu tư cho bảo tồn di sản. Kinh nghiệm của các nước cho thấy cần nâng cao nhận thức chung về bảo tồn và phát huy giá trị di sản; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản thông qua việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; chú trọng vai trò của cộng đồng và người dân; tăng cường giáo dục di sản...
Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần bảo vệ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời, khai thác tốt phương diện kinh tế của di sản, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Giám đốc UNESCO khi thăm Quần thể di tích và danh thắng Tràng An và Quần thể di tích cố đô Huế vào tháng 9/2022 đã nhận định: Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hóa; và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững. Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới cũng nhấn mạnh trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 3/2023) : Di sản thế giới tại Việt Nam không còn là tài sản của riêng Việt Nam, mà là di sản của nhân loại, Việt Nam có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho muôn đời sau; tin tưởng rằng Việt Nam đã có kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản, có thể tiếp tục đóng vai trò là hình mẫu để chia sẻ điều này với các nước khác trên thế giới.
(*) Từ năm 2021 đến nay Việt Nam đã có thêm 13 danh hiệu, di sản được UNESCO ghi danh: Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; 2 Di sản phi vật thể: Nghệ thuật Xòe Thái (di sản phi vật thể đại diện của nhân loại ) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 2 Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là Ma Nhai Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và Văn bản làng Trường Lưu (Hà Tĩnh); 2 Khu dự trữ sinh quyển thế giới mới là Núi Chúa và Kon Hà Nừng; 2 Thành phố sáng tạo toàn cầu là Đà Lạt, Hội An; Thành phố học tập toàn cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp); 2 Danh nhân thế giới Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương, sắp tới là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.