Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Xin Thứ trưởng cho biết kết quả chính của chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Séc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?
Nhận lời mời của Thủ tướng Romania và Thủ tướng Cộng hòa Séc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức Romania từ 14-16/4/2019 và thăm chính thức Cộng hoà Séc từ ngày 16-17/4/2019. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng về nhiều mặt, đặc biệt diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Romania, Cộng hoà Séc đang tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Romania từ năm 1977 và tới Cộng hòa Séc từ năm 2007.
Có thể nói quan hệ truyền thống hữu nghị của Việt Nam với Romania và Cộng hòa Séc trong suốt gần 7 thập kỷ qua đã vượt qua nhiều thách thức bởi những thay đổi trong tình hình thế giới và khu vực, đang được củng cố và có nhiều bước tiến triển đáng khích lệ trong những năm gần đây. Qua chuyến thăm này, chúng ta đã tái khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống tại Trung Đông Âu, trong đó Romania và Cộng hòa Séc là hai đối tác ưu tiên.
Romania và Cộng hòa Séc đều dành cho Thủ tướng và đoàn sự đón tiếp trọng thị và thân tình. Tại cả hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng hai nước, hội kiến Tổng thống và người đứng đầu cơ quan lập pháp (tại Romania đã gặp Chủ tịch cả Hạ viện và Thượng viện, tại Cộng hòa Séc gặp Chủ tịch Hạ viện và Phó Chủ tịch Hạ viện, đồng thời là Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc Morava). Các cuộc hội đàm, hội kiến diễn ra trong không khí cởi mở, chân thành, nội dung sâu rộng, thực chất. Lãnh đạo hai nước đánh giá cao chuyến thăm, cho đây là dấu mốc quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương với Việt Nam.
Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện với Romania và Cộng hoà Séc, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo nhiều địa phương lớn của Romania, tiếp các doanh nghiệp hàng đầu của Cộng hòa Séc, Romania, đại diện Liên hiệp các hội người Việt tại châu Âu và gặp gỡ cộng đồng người Việt ở hai nước. Thủ tướng đã tham dự và phát biểu khai mạc “Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam - Romania” và "Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Séc” với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Séc, Romania.
Qua chuyến thăm, Việt Nam và Romania, Cộng hòa Séc đã đạt được những nhận thức chung, có nhiều thỏa thuận quan trọng để thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Romania và Cộng hòa Séc đều khẳng định Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong chính sách của mình, là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, cho rằng quan hệ hợp tác còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp và mong muốn thúc đẩy sâu rộng hơn nữa hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam và hai nước thống nhất sẽ phối hợp triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Romania, Cộng hòa Séc vào năm 2020.
Về hợp tác kinh tế, các bên nhất trí sớm tiến hành các khóa họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Romania trong năm 2019 và Việt Nam – Cộng hòa Séc vào năm 2020 nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy, triển khai các dự án cụ thể trên nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng: với Romania là nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dầu khí… với Cộng hòa Séc là cơ khí, máy móc chuyên dụng, sản xuất da giày, dệt may, vật liệu xây dựng…
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực hợp tác mới hoặc chưa được khai thác mạnh đã được Thủ tướng Việt Nam và Lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy, đặc biệt là hợp tác lao động với Romania và hợp tác hàng không với Cộng hòa Séc. Nhân chuyến thăm này, hãng hàng không Bamboo Airways cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác với sân bay Praha tiến tới việc mở đường bay thẳng Hà Nội - Praha trong năm 2019.
Nội dung xuyên suốt trong chuyến thăm là việc thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Cộng hòa Séc và đặc biệt là Romania, với tư cách Chủ tịch luân phiên EU đều khẳng định là nước bạn bè thân thiết và đối tác truyền thống của Việt Nam, ủng hộ mạnh mẽ việc sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU trong vòng một đến hai tháng tới. Lãnh đạo cả hai nước đều cho rằng việc sớm thông qua hai hiệp định này là một cơ hội lớn cho EU nói chung và doanh nghiệp các nước Trung Đông Âu nói riêng tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư tại Việt Nam, góp phần đưa hợp tác giữa Việt Nam và khu vực này lên tầm cao mới.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi và đề nghị Lãnh đạo hai nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống, sớm hòa nhập với đời sống ở sở tại và đóng góp cho quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế đang nổi lên. Lãnh đạo Romania và Cộng hoà Séc đều tỏ quan tâm đến vấn đề hòa bình, an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bày tỏ ủng hộ lập trường giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Séc của Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp, mở ra không gian rộng lớn cho quan hệ hợp tác giữa ta với hai nước trên nhiều lĩnh vực. Trong thời gian tới, để triển khai các kết quả đạt được qua chuyến thăm cần có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và cả doanh nghiệp hai nước.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những tiềm năng hợp tác trong quan hệ giữa Việt Nam với Romania và Cộng hòa Séc cũng như triển vọng phát triển hợp tác với hai nước này trong thời gian tới?
Việt Nam với Romania và Cộng hòa Séc có quan hệ hữu nghị truyền thống trong suốt gần 70 năm qua. Ngày nay, mối quan hệ truyền thống đó vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội và hội nhập ở mỗi nước. Đây là một tiền đề vững chắc để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước này trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Tiềm năng hợp tác với Romania và Cộng hòa Séc còn rất lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam và hai nước có thể bổ trợ cho nhau. Theo đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, một số các văn kiện đã được ký kết như Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Romania, Bản ghi nhớ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và tiêu chuẩn đo lường chất lượng với Cộng hòa Séc.
Giáo dục - đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống mà Việt Nam và hai nước cần thúc đẩy trong thời gian tới, đặc biệt là Romania và Cộng hòa Séc đều có nền giáo dục chất lượng, cơ sở vật chất tốt với học phí và chi phí sinh hoạt vừa phải. Hai nước đã đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn sinh viên và đội ngũ hàng nghìn cán bộ có trình độ cao. Đây là nguồn tài nguyên rất giá trị cần phải phát huy hơn nữa để thắt chặt quan hệ Việt Nam với Romania và Cộng hòa Séc trong thời gian tới.
Cả Romania và Séc đều có nhu cầu về lao động. Với lực lượng lao động trẻ, cần cù, chịu khó…Việt Nam có thể là nguồn cung ứng lao động tiềm năng cho các nước. Cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc với 65.000 người (đông nhất Trung Đông Âu và là cộng đồng nước ngoài duy nhất được công nhận là dân tộc thiểu số tại châu Âu) cũng như 500 người Việt Nam định cư và gần 3.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Romania là một nguồn lực dồi dào mà chúng ta cần phải tranh thủ nhằm kết nối các nước thông qua các dự án hợp tác từ các liên doanh vừa và nhỏ đến những dự án đầu tư có quy mô lớn hơn.
Du lịch là một lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng giữa Việt Nam và các nước Trung Đông Âu, trong đó có Romania và Cộng hòa Séc. Người dân những nước này đều yêu mến và mong muốn được có dịp tham quan, du lịch Việt Nam; ngược lại người Việt Nam cũng rất quan tâm đến thị trường du lịch Cộng hòa Séc và Romania với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Việc Bamboo Airways dự kiến mở đường bay thẳng Hà Nội – Praha trong năm nay chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội mới cho trao đổi du khách giữa Việt Nam và Séc cũng như các nước Trung Đông Âu khác.
Tiềm năng hợp tác giữa địa phương Việt Nam với các tỉnh thành hai nước cũng cần phải được khai thác trong thời gian tới. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm Romania và Cộng hòa Séc lần này có lãnh đạo nhiều tỉnh, thành như Lào Cai, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Bình, Bến Tre... nhằm tìm kiếm những đối tác hợp tác phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác với công ty Danvit Express của Cộng hòa Séc. Buổi tọa đàm với các địa phương Romania cũng như các cuộc làm việc với tỉnh Prahova (Romania) khẳng định mối quan tâm và nhu cầu rất lớn của các tỉnh, thành hai nước trong việc liên kết, hợp tác.
Xét một cách tổng thể, hợp tác giữa Việt Nam với Romania và Cộng hòa Séc có nền tảng mang yếu tố lịch sử và những thế mạnh, tiềm năng cần được khai thác tốt hơn nữa trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng sau chuyến thăm Romania và Cộng hòa Séc lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam, Romania và Cộng hòa Séc chắc chắn sẽ được nâng lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam, Romania và Cộng hòa Séc.