Nhìn lại đợt dịch lần thứ 4:

Thứ trưởng Võ Minh Lương: 7 bài học kinh nghiệm và 4 biện pháp lâu dài để 'thích ứng an toàn'

Sau hơn 3 tháng phòng, chống dịch tại tâm dịch của đợt dịch lần thứ 4, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

Thượng tướng nhấn mạnh 7 bài học kinh nghiệm, đưa ra 4 biện pháp ứng phó trước mắt, 4 biện pháp ứng phó lâu dài để các địa phương này chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19".

Chú thích ảnh
 Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách, phòng chống dịch, ngày 19/7/2021. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Xin Thượng tướng nhận định khái quát về công tác phòng, chống dịch giai đoạn đầu của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong đợt dịch thứ 4? Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có sự chuyển hướng chỉ đạo thế nào trong công tác xét nghiệm, điều trị, giãn cách, an sinh xã hội...?

Trong giai đoạn đầu đợt dịch lần thứ 4, chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về chủng Delta nên công tác tham mưu hướng dẫn, xử lý, chuẩn bị còn nhiều bất cập, có lúc còn lúng túng. Chủng Delata có tốc độ lây lan cực nhanh, nguy hiểm, trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm với chủng này. Do đó, những bệnh nhân chưa được tiêm, đặc biệt người có bệnh nền, béo phì, phụ nữ có thai hoặc người lớn tuổi…, có nhiều nguy cơ chuyển nặng và tử vong cao.

Mặt khác, trong giai đoạn cao điểm, hạ tầng y tế của TP Hồ Chí Minh không đáp ứng được diễn biến dịch bệnh: Thiếu rất nhiều nhân lực, máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, thậm chí chưa có thuốc điều trị. Đối với việc xét nghiệm, do thời gian đầu không đủ test nhanh kháng nguyên nên cơ bản dùng phương pháp xét nghiệm RT-PCR. Tuy nhiên, phương pháp này trả kết quả rất chậm, làm ảnh hưởng đến việc kiểm soát tốc độ lây nhiễm của dịch.

Mặc dù Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt, đồng bộ và ngay từ đầu, nhưng sau một thời gian không lâu, dịch đã bùng phát, ăn sâu vào ngóc ngách, ngõ hẻm dân cư, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu đông người, nhà trọ..., làm cho thành phố trở tay không kịp. Hệ thống y tế quá tải, số bệnh nhân tử vong tại các cơ sở điều trị ở cả 3 tầng ngày càng nhiều. Đó là thời kỳ đầu của đợt thứ 4 này ở TP Hồ Chí Minh. Bất cứ nước nào cũng vậy, ngay từ đầu cũng đều lúng túng như nhau vì dịch chưa có tiền lệ.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch trên nền tảng 3 trụ cột. Thứ nhất, cách ly nhanh, khoanh vùng hẹp nhất có thể. 

Thứ hai, xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch. Mỗi chiến dịch xét nghiệm triển khai từ 2-3 đợt, mỗi đợt từ 3-4 ngày, nhờ đó đã phát hiện sớm, quản lý phù hợp, điều trị hiệu quả F0 trong cộng đồng và cắt giảm được nguồn lây nhiễm.

Thứ ba, công tác điều trị tích cực, hiệu quả với việc thành lập nhiều trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến, trong đó có 6.000/60.000 giường hồi sức cấp cứu, được trang bị tương đối đầy đủ thuốc men, con người và oxy lỏng. Ở giai đoạn này, nếu bệnh viện thiếu oxy, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao. Thủ tướng Chính phủ đã xác định "lấy xã, phường làm pháo đài, người dân làm chiến sỹ"; từ đó tăng nguồn lực về con người, trang thiết bị, đặc biệt bình oxy cho địa phương. Bệnh nhân nhiễm chủng Delta chủ yếu bị nghẹt thở do thiếu oxy, nên những nơi không chuẩn bị oxy bình và oxy tập trung gặp rất nhiều khó khăn trong cứu chữa. 

Vấn đề tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường các trạm y tế lưu động cho xã, phường để kịp thời chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, bảo đảm người dân tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất các dịch vụ y tế; từ đó, giảm rõ rệt bệnh nhân chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở điều trị ở các tuyến. Đây là một trong những chỉ đạo mang tính chiến lược tại thời điểm vô cùng khó khăn của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. 

Để làm tốt các nhiệm vụ trên, Chính phủ quyết định tăng cường rất lớn về lực lượng, trang bị y tế cho các địa phương ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh để chống dịch. Cụ thể, chúng ta đã mở các chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, test COVID-19 trên diện rộng; thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; công tác an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo tốt hơn, không để người dân bị thiếu ăn, đứt bữa; điều trị 3 tầng hiệu quả, đặc biệt điều trị F0 tại nhà; ngày càng phủ kín vaccine... Đến nay, tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dần được kiểm soát, số ca tử vong và ca mắc mới giảm rõ rệt, đặc biệt số ca tử vong xuống còn 2 con số.

Tính trung bình, một đợt bùng phát dịch như ở TP Hồ Chí Minh, các nước trên thế giới, kể cả các nước có nền y tế tiên tiến, phải tập trung nguồn lực trong thời gian từ 6-9 tháng mới dập được dịch. Nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, chúng ta đã từng bước làm chủ tình hình. Đến giờ phút này, TP Hồ Chí Minh đang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và từng bước khôi phục lại hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Đây là bước đi đúng đắn, phù hợp với tình hình mới.

Trong giai đoạn phòng, chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, quân đội đã huy động hơn 100.000 cán bộ, chiến sỹ, kể cả lực lượng chi viện và tại chỗ. Xin Thượng tướng cho biết những khó khăn trong giai đoạn này với những nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ?

Đứng trước tình thế "bão dịch" của miền Nam và TP Hồ Chí Minh, đặc biệt, với sự quá tải các bệnh viện, sự gồng mình chịu đựng của nhân dân và hệ thống chính trị các cấp, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tăng cường lực lượng để hỗ trợ cho miền Nam, trong đó tập trung cho TP Hồ Chí Minh. Trong đó có lực lượng quân đội, vì quân đội là lực lượng đông nhất, là lực lượng kỷ luật nghiêm nhất, là lực lượng cơ động nhanh nhất và khi nhận bất cứ mọi nhiệm vụ đều hoàn thành tốt nhất. Đặc biệt, quân đội là lực lượng được Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu thương và tin tưởng nhất. Đây là quyết định hết sức đúng đắn, sáng suốt và kịp thời. 

Cùng một lúc lực lượng quân đội phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ: Cùng với hệ thống chính trị đảm bảo an sinh cho trên 10 triệu người; tổ chức các chốt chặn, tuần tra; vận chuyển hàng hóa; đi chợ hộ; tuyên truyền; tổ chức các tổ tiêm vaccine, test COVID-19; các tổ quân y cơ động của các xã, phường điều trị, tư vấn F0 tại nhà… Đặc biệt nhất phải kể đến nhiệm vụ xử lý tử thi, tro cốt của bệnh nhân tử vong do COVID-19. Đây là một việc làm khó khăn và chưa từng có tiền lệ đối với quân đội.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và với trách nhiệm của người lính, toàn lực lượng đã quyết tâm, từng bước vượt qua những khó khăn, gian khổ, kể cả hy sinh. Đến nay, cơ bản các đơn vị đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Quân đội đã quyết định dần rút quân sau gần 3 tháng chi viện, hỗ trợ phòng, chống dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Xin Thượng tướng cho biết sự điều chỉnh lực lượng quân đội để phù hợp với giai đoạn hiện nay?

Đến nay, tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương… đã từng bước được kiểm soát. Do đó, Bộ Quốc phòng thống nhất với các địa phương, đặc biệt TP Hồ Chí Minh, có sự điều chỉnh phù hợp theo các mốc thời gian. 

Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1/10 đến ngày 15/10 cho rút quân toàn bộ các lực lượng bộ binh; giai đoạn 2 từ ngày 15/10 đến ngày 31/10 rút dần lực lượng y, bác sỹ là học viên ở phía Bắc tại các bệnh viện dã chiến để các sinh viên trở về, tiếp tục học tập; giai đoạn 3 từ ngày 31/10 đến hết tháng 11, tùy theo tình hình dịch bệnh để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Riêng các bệnh viện dã chiến của quân đội, khi nào hết F0 sẽ xin giải thể.

Chúng tôi đang sẵn sàng lực lượng để tăng cường cho Quân khu 5, Quân khu 9 khi cần thiết.

Xin Thượng tướng cho biết những bài học sau thời gian phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam?

Theo tôi, có 7 bài học kinh nghiệm sau 3 tháng phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Thứ nhất, áp dụng cơ chế của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc vẫn còn nguyên giá trị, kể cả đối với an ninh truyền thống và phi truyền thống. Về tinh thần của cơ chế, Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, hệ thống chính trị làm tham mưu, giao cho cơ quan chức năng chỉ huy, xử lý. Cụ thể ở đây, Chính phủ đã giao 3 bộ: Bộ Y tế, Quốc phòng, Bộ Công an và đã xác định rõ Bộ Y tế là bộ quyết định trong chiến dịch này.

Bài học thứ hai, chúng ta cần sớm có dự báo, đánh giá tình hình dịch, đặc biệt với các biến chủng mới.

Bài học thứ ba là sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Đối với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ngay từ đầu, hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. Đặc biệt, cấp ủy, người chủ trì phải trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẽ sớm kiểm soát được dịch.

Bài học thứ tư về phát huy được hiệu quả "4 tại chỗ", đặc biệt sức mạnh, sự đồng thuận, đoàn kết toàn dân là không thể thiếu. Cùng với đó là tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của các doanh nghiệp và nhân dân trong nước và bà con kiều bào ở nước ngoài đã đóng góp rất lớn công sức, tiền của, vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Bài học thứ năm là huy động sự đồng thuận và ý thức chấp hành phòng, chống dịch của nhân dân.

Bài học thứ sáu, khi có tình huống xảy ra, người dân và chính quyền phải chuẩn bị kỹ hơn, nhất là về hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế... Nếu chuẩn bị kỹ, việc thực hiện giãn cách "ai ở đâu ở đó" sẽ thực hiện nghiêm túc hơn.

Bài học cuối cùng, các cơ sở điều trị tại 3 tầng phải có đầy đủ con người, trang thiết bị và vaccine. 

Chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cần có những biện pháp ứng phó trước mắt và lâu dài bền vững như thế nào để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, thưa Thượng tướng?

Đối với các biện pháp ứng phó trước mắt, có 4 vấn đề cần quan tâm. Một là, tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ không có "Zero COVID", lúc nào cũng sẵn sàng có ca F0 và dịch lúc nào cũng sẵn sàng quay trở lại. Cho nên, việc tuyên truyền để nhân dân không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác là điều rất cần thiết; phải chấp hành nghiêm túc nguyên tắc 5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân để phòng, chống dịch tốt hơn. Khi đã tiêm đủ 1 hoặc 2 mũi vaccine nhưng nếu phòng, chống dịch không tốt, vẫn bị nhiễm và lây lan cho người khác.

Hai là, chúng ta phải xây dựng kế hoạch xét nghiệm để phát hiện F0 theo quy định của Bộ Y tế. Khi phát hiện F0 ở giai đoạn này không còn lo lắng như những lần trước nữa, vì đã phủ 1 hoặc 2 mũi vaccine, có kháng thể nên số lượng chuyển nặng rất ít. Khi phát hiện F0, chúng ta tiếp tục cho thực hiện cách ly và điều trị. Những nơi có nguy cơ cao và rất cao cần tiếp tục phong tỏa, ngăn chặn kịp thời.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thượng tướng Võ Minh Lương thăm hỏi người dân thuê trọ trên địa bàn Phường 14, quận Gò Vấp, ngày 2/9/2021. Ảnh: TTXVN phát

Vấn đề thứ ba là phải củng cố, xây dựng hệ thống y tế đủ năng lực, bổ sung đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị, máy móc, thuốc, oxy, đủ sức đáp ứng tình hình mới. Về điều trị, chúng ta chuẩn bị kỹ cả 3 tầng điều trị theo quy định của Bộ Y tế; phải chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng, chống dịch tiếp theo, theo từng cấp độ dịch của địa phương.

Thứ tư, phải xây dựng kế hoạch bảo vệ người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Những người đã được tiêm mũi 1, mũi 2, sau khi trở về gia đình, nơi cư trú hoặc đến nơi làm việc... phải lưu ý, tránh tiếp xúc với những người chưa được tiêm vaccine.

Nếu đáp ứng 4 vấn đề trên, việc từng bước mở lại sản xuất kinh doanh có thể thực hiện theo lộ trình thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. 

Đối với các biện pháp lâu dài, cũng có 4 vấn đề cần quan tâm. Vấn đề thứ nhất, chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, bài bản hơn nữa 4 giải pháp trước mắt vừa nêu. Vấn đề thứ hai là, xây dựng các chiến lược y tế quốc gia, trong đó, y tế dự phòng phải đủ mạnh. Thứ ba, khi xảy ra đại dịch, y tế tư nhân cũng phải vào cuộc, đồng hành với y tế công. Thứ tư, chúng ta cần phải chủ động sản xuất các trang thiết bị, vật tư y tế, vaccine, không để bị động với đại dịch.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thượng tướng!

Diệp Trương - TTXVN (Thực hiện)
TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 với Bình Thuận
TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 với Bình Thuận

Chiều 26/10, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận để chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN