Tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương sáng 27/12, sau khi nghe lãnh đạo ngành Công Thương báo cáo kết quả năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, ghi nhận những đóng góp của ngành góp phần cho tăng trưởng GDP trên 7% là “không cần bàn cãi”.
Thủ tướng cho biết, Công Thương là đa ngành, đa lĩnh vực, rất quan trọng, rất phức tạp. Thủ tướng đưa ra 5 vấn đề mà ngành cần quan tâm trong những năm tới.
Thứ nhất, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách dài hạn, nhất quán, hướng tới tăng trưởng ổn định, phân bổ sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường. Xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành cho 10 năm tới, đây là khối lượng công việc rất nặng nề.
Thứ hai, cần nâng cao năng suất nội ngành. Phát triển công nghiệp Việt Nam, thay vì phụ thuộc dầu thô, dầu mỏ, cần chuyển sang công nghiệp dựa vào chế biến, sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm nền tảng cạnh tranh. Bộ Công Thương cần chủ động đi tắt đón đầu để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, các cấp, các ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm phát triển ngành công thương, tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, tăng năng suất lao động, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Qua đó thúc đẩy xuất khẩu kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát tình hình để có giải pháp kịp thời.
Thủ tướng cho rằng Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng rất lớn, do đó, Bộ Công Thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người tiêu dùng, không được để mất thị trường bán lẻ.
Bộ Công Thương cũng cần làm tốt công tác quản lý thị trường, tránh gian lận thương mại. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, trên tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 là mốc quan trọng trong giai đoạn 2016 - 2020 và tiền đề cho giai đoạn sau, Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương 3 mục tiêu cần hoàn thành. Thứ nhất, cần đạt chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp chế biến - chế tạo là 12%. Năm nay, tốc độ ngành này đạt trên 10%. Ngành này là động lực chính cho tăng trưởng. Thứ hai, chỉ tiêu xuất khẩu phấn đấu chạm mốc 300 tỷ USD ngay trong năm 2020. Thứ ba, tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số tăng trưởng khoảng 12%.
Để đạt các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu lãnh Bộ Công Thương cần bám sát sản xuất và thị trường, tháo gỡ vướng mắc xuất nhập khẩu. Triển khai đồng bộ các Hiệp định thương mại tự do, phát triển thị trường tiềm năng.