1. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD.
Đây là kết quả phản ánh sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực cho doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất và xuất khẩu cũng như như thu hút mở rộng đầu tư cho phát triển xuất khẩu; củng cố và tiếp tục khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống; mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đặc biệt cho thấy sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu.
2. Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chính thức có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu chính thức được ký kết.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đi vào thực thi và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu chính thức được ký kết là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Ngay từ năm đầu tiên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các thành viên đã thực thi Hiệp định này có tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số, tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng thủy sản; và hàng dệt, may...
Việc chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, làm sâu sắc hơn mối quan hệ về kinh tế và thương mại nhằm tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để mang lại lợi ích cho cả hai bên, giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đồng thời, tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong giai đoạn tới.
3. Công tác quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, xuất xứ được củng cố, góp phần quan trọng ổn định thị trường
Năm 2019, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, đặc biệt là dưới áp lực của xung đột thương mại Mỹ - Trung, các hành vi gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng với các hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Để tăng cường công tác quản lý đối với các vấn đề này, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 824 theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ và Quyết định 2094A/QĐ-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2019 về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương để triển khai Đề án 824.
Theo đó, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước.
4. Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia
Cổng Dịch vụ công Quốc gia tổ chức trên phạm vi toàn quốc được chính thức khai trương vào ngày 09 tháng 12 năm 2019 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước, Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên thí điểm kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, Bộ đã chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: (1) Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi và (2) Đăng ký hoạt động khuyến mại. Đây là các nhóm thủ tục có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn nhất thực hiện tại của Bộ Công Thương.
Việc kết nối thành công với Cổng dịch vụ công quốc gia ngay trong năm 2019 thể hiện cam kết của Bộ Công Thương luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác hiện đại hóa, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương.
5. Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công Thương
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ phong trào góp phần tạo chuyển biến về nhận thức trong toàn xã hội đã dần trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt một cách mạnh mẽ. Cuộc vận động đã đóng góp không nhỏ trong việc đảm bảo cho thị trường trong nước giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng GDP và đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu).
Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Đồng thời, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam với tỷ lệ hàng Việt Nam phân phối qua các kênh phân phối hiện đại từ 80% - 90% và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.
6. Sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là hơn 25% trong giai đoạn hiện nay và được dự báo quy mô thị trường có khả năng lên tới 13 tỷ USD vào năm 2020. Doanh thu hoạt động thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng (xấp xỉ 4% và đang gia tăng nhanh). Theo Báo cáo "Kinh tế Internet Đông Nam Á 2018" của Google - Temasek, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới với việc tìm hiểu và kết nối với Amazon Global Selling bằng chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon nhằm gia tăng xúc tiến thương mại và xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử, qua đó, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ để xuất khẩu hàng hoá qua sàn thương mại điện tử của Amazon. Việc tiếp cận được 300 triệu khách hàng trên Amazon là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra bước ngoặt mới cho các doanh nghiệp Việt tìm kiếm thị trường, khách hàng mới trên toàn thế giới.
7. Chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện
Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business 2019, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm) và tiếp tục đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-4 và nhóm 4 nước tốt nhất của các nước tham gia hiệp định CPTPP, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành Điện.
Theo đó, tại Việt Nam, khách hàng chỉ cần thực hiện 4 thủ tục, thấp hơn trung bình số thủ tục các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (4,2 thủ tục); Độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá điện được Doing Business của Ngân hàng Thế giới đánh giá đạt 7/8 điểm, ngang bằng các nước nhóm 4 ASEAN. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận khi mà năm 2019 chứng kiến sự tụt hạng của một số quốc gia trong khu vực ASEAN như Singapore từ vị trí thứ 16 xuống vị trí thứ 19 thế giới, Philippines tụt xuống đứng thứ 6 khu vực sau Brunei.
8. Việt Nam thành công trong việc sản xuất máy biến áp nguồn dự phòng 500kV công suất 467 MVA
Đây là thành tựu về khoa học công nghệ của quá trình chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Sản phẩm Máy biến áp nguồn dự phòng 500kV với công suất 467 MVA được lắp đặt tại nhà máy thủy điện Lai Châu và Sơn La là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giao Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh chủ trì nghiên cứu và triển khai thực hiện.
Thành tựu này là một bước nhảy vọt về năng lực công nghệ, trình độ thiết kế, chế tạo của doanh nghiệp, đảm bảo mọi điều kiện để sản xuất các gam máy biến áp đang vận hành trên lưới điện quốc gia, đảm bảo mọi điều kiện để sản xuất các gam máy biến áp 500kV đang vận hành trên lưới điện quốc gia (máy biến áp nguồn ba pha 500kV công suất đến 750MVA và tổ máy biến áp truyền tải 500kV công suất đến 3x300MVA). Hiện nay, có rất ít công ty trên thế giới có thể sản phẩm máy biến áp nguồn 500kV do sản phẩm này có những yêu cầu kỹ thuật khắt khe nhất, công nghệ thiết kế và chế tạo phức tạp trong các dòng máy biến áp siêu cao áp 500kV.
Đối với ngành điện, sự kiện này đánh dấu việc doanh nghiệp trong nước hoàn toàn đủ khả năng và chủ động trong việc cung cấp các loại máy biến áp đến cấp điện áp đến 500kV phục vụ phát triển lưới điện quốc gia, góp phần vận hành an toàn lưới điện và đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia. Hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang sử dụng khoảng 835 máy biến áp các loại 110kV, 220kV và 500kV của Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, chiếm 43% số lượng máy biến áp trên hệ thống lưới điện truyền tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Thành tựu khoa học công nghệ này giúp Việt Nam làm chủ được công tác chế tạo, bảo dưỡng một trong những thiết bị chính của nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước qua đó đảm bảo khả năng vận hành liên tục và an toàn cho hai Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai châu nói riêng và góp phần đảm bảo anh ninh năng lượng quốc gia nói chung.
9. Quá trình tái cơ cấu lực lượng quản lý thị trường đã đạt được những kết quả tích cực.
Được tổ chức lại theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trước yêu cầu cấp bách của nền kinh tế, xác định được vai trò, trách nhiệm chính trị nặng nề của mình, lực lượng quản lý thị trường đã hết sức tập trung, khẩn trương kiện toàn, tinh gọn bộ máy, tổ chức nhân sự.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã thiết lập, xây dựng một tổ chức mới hoàn toàn từ khâu thành lập tổ chức Đảng; lập, phê duyệt quy hoạch cán bộ trong toàn lực lượng; hiệp y với chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương; đồng thời, thực hiện các biện pháp ổn định tư tưởng đối với công chức, người lao động, nhất là các công chức đã từng giữ chức vụ lãnh đạo quản lý nhưng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm lại, nhằm duy trì hoạt động, không làm gián đoạn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên cả nước.
Đến nay, Tổng cục đã giảm được 235 đội Quản lý thị trường và sẽ tiếp tục giảm 70 Đội vào năm 2020, từng bước kiện toàn công tác bổ nhiệm lãnh đạo các cấp trong Tổng cục và cơ bản hoàn thành Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được với việc phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng (chưa tính trị giá hàng tịch thu chưa bán). Trong đó, có một số vụ việc nổi bật như: đã xóa sổ 02 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam"; chuyển Cơ quan điều tra xem xét xử lý 03 vụ việc liên quan đến vi phạm về C/O tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tầu, Bình Dương và Vĩnh Phúc; Chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận...
10. Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng mặt trời với với công suất đưa vào vận hành lên tới gần 5.000 MW
Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời. Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000 MW điện đã được sản xuất từ các nhà máy sản xuất điện mặt trời. Đây là tín hiệu cho thấy sự tích cực và hiệu quả do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ trong bối cảnh phụ tải điện tiếp tục tăng cao, yêu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển ngày càng lớn; có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện, mỗi năm bổ sung khoảng 7-9 tỷ kWh góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, giảm công suất điện chạy dầu giá cao, hướng phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
Việc phát triển các dự án điện mặt trời cũng sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và công nghệ về năng lượng mặt trời; tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về năng lượng mặt trời ở Việt Nam, thúc đẩy hiệu quả thị trường mới bắt đầu và còn non trẻ và khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp.