Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành và thành phố Hà Nội đã đến dự.
Chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Phát biểu mở đầu Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội kỹ lưỡng, chu đáo và có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc nhận tài liệu, văn bản của Đại hội. Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, với tinh thần đoàn kết, đề cao trách nhiệm của đại biểu, đồng thời phát huy dân chủ cùng với việc điều hành khoa học, chặt chẽ của Đoàn Chủ tịch, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.
Thủ tướng nhấn mạnh, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta, đã và đang phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp Công đoàn Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động với các nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả, khẳng định sự đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đề cập về nội dung thảo luận của Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhắc đến năng lực cạnh tranh quốc gia là đề cập tổng hợp các yếu tố: thể chế, chính sách, năng lực vận hành nền kinh tế và các nhân tố quyết định mức độ hiệu quả, năng suất trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, mang lại sự thịnh vượng bền vững cho quốc gia. Một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả là nền kinh tế có năng lực sử dụng, khai thác tốt các nguồn lực có hạn.
Nói cách khác, bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất, mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa nhất, với sự tham gia của mọi người, mọi ngành. Trong khi đó, phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Gợi ý các nội dung trao đổi, thảo luận, Thủ tướng đặt ra hàng loạt vấn đề, đó là nhìn nhận của các đại biểu về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới, về công tác điều hành của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay và những hiến kế cho Chính phủ để công tác điều hành đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị đại biểu đánh giá về nhóm các nhân tố thể chế kinh tế và thực thi thể chế kinh tế ở nước ta trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ góc độ người lao động, việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất và công tác hiện nay, vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay và sự tham gia của Công đoàn vào nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước…
Để buổi thảo luận thực sự đạt kết quả cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, đi thẳng vào chủ đề, nêu rõ các giải pháp, gợi mở cho Chính phủ những ý tưởng, sáng kiến, cách làm để cả nước cùng nỗ lực, chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Hình thành thế hệ con người mới, công dân kỹ thuật số
Nhìn nhận về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Trần Quang Huy cho rằng trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề cao quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng thời khơi dậy khởi nghiệp, đây là động lực phát triển bền vững của đất nước. Cùng với đó, Việt Nam chủ động hội nhập trong xu hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế, quan hệ kinh tế đối ngoại của nước ta được mở rộng và tăng nhanh. Đây là một trong những tác nhân quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong những năm qua và thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam bắt kịp sự phát triển của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, duy trì sự ổn định về chính trị - xã hội của đất nước trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, nguy cơ lỡ nhịp đoàn tàu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và nguy cơ không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Tổ chức Công đoàn cũng có những thách thức, đó là việc ký kết thực hiện các cam kết về hội nhập, trong thời gian tới có khả năng sẽ hình thành các tổ chức đại diện cho người lao động ngoài tổ chức Công đoàn hiện nay, cạnh tranh trực tiếp với tổ chức Công đoàn; hoạt động của các tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn.
Ông Trần Quang Huy đề xuất với Chính phủ triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, qua đó tổ chức Công đoàn có thể tổ chức thực hiện, duy trì sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Thủ tướng tiếp tục quyết tâm chỉ đạo xây dựng hiệu quả Chính phủ kiến tạo, tạo sự phát triển thuận lợi cho đất nước, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi cho tổ chức Công đoàn, tạo điều kiện quan tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng xã hội, nhất là nơi tập trung đông người lao động, hỗ trợ tổ chức Công đoàn xây dựng các thiết chế công đoàn.
Với gợi ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đánh giá năng suất lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thừa Thiên - Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương cho rằng, năng suất lao động Việt Nam đang ở vị trí rất thấp so với khu vực và thế giới. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực đại học, cao đẳng, trung cấp – sau khi ra trường không có việc làm quay trở lại làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp và đa số không có tay nghề nên không tăng được năng suất lao động. Ý thức kỷ luật của người lao động chưa tốt, nghỉ để giải quyết việc riêng rất tùy tiện, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, việc chia sẻ lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa hài hòa, dẫn đến những xung đột không đáng có. Thù lao cơ sở trả cho người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp thấp hơn bình quân lương cơ sở, những phúc lợi xã hội của doanh nghiệp với người lao động cũng chưa được tốt.
Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương kiến nghị, hàng năm, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần thống kê số liệu định hướng cho người lao động về việc ngành nào, nghề nào đang “hot”, cần lực lượng lao động, để người lao động biết được, chuẩn bị kỹ năng, tay nghề, để khẳng định mình tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần có biện pháp nâng cao ý thức, sự chuyên nghiệp của người lao động, tạo tác phong công nghiệp khi làm việc. Điều này muốn làm được phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Người lao động cần tự mình học hỏi, trang bị cho mình những kiến thức vững vàng nhất. Ngoài ra, cần phải đưa quan hệ hài hòa lợi ích vật chất giữa người lao động và người sử dụng lao động vào thỏa ước lao động, để người lao động tin tưởng vào doanh nghiệp của mình.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, cho đến nay, năng suất lao động nước ta đã đạt 102 triệu đồng/lao động, chứng tỏ tốc độ tăng năng suất lao động tăng lên rất nhiều. Nếu chất lượng nguồn nhân lực tăng lên, năng suất lao động sẽ cao hơn.
Ông Bùi Sỹ Lợi gửi đến Thủ tướng câu hỏi về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động. “Chúng tôi thấy rằng, trong đề án của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở của công nhân, chúng ta phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 250.000 ngôi nhà, công nhân lao động, nhưng đến nay mới đạt hơn 10%, Thành phố Hồ Chí Minh được 14,9%, Hà Nội hơn 11%. Xin Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có gói giải cứu, giống gói 30.000 tỷ đồng trước đây để giải quyết nhà ở cho công nhân”, ông Bùi Sỹ Lợi nói và khẳng định đây là một trong những nguyên nhân làm cho giai cấp công nhân đủ điều kiện tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, tạo ra năng suất lao động lớn hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng gửi đến Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ: năng suất lao động của chúng ta thấp nguyên nhân cơ bản là do chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực qua đào tạo hiện nay đạt 57% nhưng chỉ có 21% qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên và có cấp chứng chỉ, đây chính là yếu kém nhất. Chúng ta phải tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp và sử dụng nguồn quỹ của bảo hiểm thất nghiệp (kết dư 67.000 tỷ đồng), không chỉ đào tạo mới mà phải đào tạo lại, tạo ra nguồn lao động vừa có chất lượng đầu vào cao, sẵn sàng chuyển đổi được cơ cấu để đáp ứng được quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam trao đổi về việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất và công tác. Theo ông, cần thiết lập cơ chế hiệu quả, khuyến khích triển khai các nhiệm vụ khoa học gắn với doanh nghiệp và hiện nay triển khai theo hướng các chuỗi giá trị toàn cầu của lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Đồng thời, đảm bảo mức đầu tư cho khoa học công nghệ, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa đầu tư cho khoa học công nghệ và cho khoa học xã hội, tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; trang bị kỹ năng mềm cho người lao động, xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, giúp doanh nghiệp đồng hành cùng tổ chức Công đoàn bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn, cần hình thành cho được một thế hệ con người mới, công dân kỹ thuật số và nguồn nhân lực tinh hoa mới.