Theo báo cáo, sau khi được tên lửa đẩy Epsilon 4 của Nhật Bản phóng vào vũ trụ ngày 18/1 vừa qua, trung tâm điều khiển mặt đất đã bắt được tín hiệu và đã điều khiển được vệ tinh. Như vậy, vệ tinh MicroDragon do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, nặng 50kg, bước đầu đã hoạt động bình thường thể hiện các thông số ban đầu thu được ổn định. Dự kiến, vệ tinh sẽ hoạt động ổn định trong 1-2 tuần tới...
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kỹ sư trẻ trong quá trình nghiên cứu, chế tạo vệ tinh; cho rằng đây là cố gắng rất lớn của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dưới sự chỉ đạo, phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thủ tướng cũng biểu dương Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong việc phóng, thu nhận tín hiệu vệ tinh; ghi nhận, đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, chuyên gia, viện nghiên cứu, trường đại học nước này trong việc giúp đỡ Việt Nam đối với lĩnh vực mới này.
Thủ tướng cùng nhìn nhận, đây là quá trình học tập, chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh rất bài bản, thông qua đó, các kỹ sư trẻ Việt Nam đã thiết kế, chế tạo thành công vệ tinh, làm nên nền tảng quan trọng dưới sự hỗ trợ của Nhật Bản, cũng là nền tảng quan trọng để phát triển công nghệ vũ trụ tương lai.
Thủ tướng nêu rõ, đây là lĩnh vực mới của Việt Nam, ngành khoa học công nghệ cao, mang trí tuệ Việt Nam, có sự hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển, mở ra thời kỳ phát triển cho ngành vũ trụ Việt Nam. Kết quả này là "tin vui cho nhân dân trong những ngày đầu năm mới 2019 này", Thủ tướng nói và bày tỏ vui mừng vì bước đầu các kỹ sư Việt Nam đã làm chủ công nghệ. Điều này cũng khẳng định, các kỹ sư trẻ Việt Nam đã làm chủ và sẵn sàng chế tạo các vệ tinh dưới 50kg, là tiền đề chế tạo những vệ tinh quan sát trái đất lớn hơn trong tương lai.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để duy trì ngọn lửa đam mê nghiên cứu, chế tạo vệ tinh của các nhà khoa học, kỹ sư để Việt Nam có bước phát triển mới trong công nghệ vũ trụ. Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh, kết quả này là minh chứng tiếp nối thành công của Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng khác trong thời gian qua; nhất là việc khẳng định chủ quyền không gian trong thời đại công nghệ số; khẳng định năng lực thiết kế, chế tạo vệ tinh, từ lý thuyết đi tới thực hành.
Thủ tướng cũng biểu dương các cơ quan quản lý nhà nước, các kỹ sư trẻ đã dày công học tập, nghiên cứu trong việc chế tạo vệ tinh - là những người đặt nền tảng quan trọng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng căn dăn, trên thực tế, hạ tầng chưa có, đội ngũ kỹ sư còn mỏng, trung tâm điều khiển chưa có..., do đó, các cơ quan, tổ chức liên quan cần suy nghĩ để có giải pháp phát triển, đưa Việt Nam làm chủ công nghệ.
Thủ tướng hy vọng các kỹ sư trẻ tiếp nối tinh thần dám đương đầu thử thách, để “Rồng Việt Nam bay lượn trên bản đồ công nghệ thế giới”. Thủ tướng đồng ý việc phát triển hạ tầng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, trước hết là xây dựng trạm điều khiển vũ trụ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình sớm dự án đầu tư sớm nhất. Thủ tướng nêu rõ, việc hình thành tư duy phát triển công nghệ vũ trụ của một quốc gia là hết sức quan trọng. Do đó Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chú ý hơn nữa công tác đào tạo, tạo điều kiện cho các kỹ sư có điều kiện cống hiến, có những bước tiến xa hơn trong công nghệ vũ trụ, tiến tới chế tạo những vệ tinh quy mô lớn hơn, ứng dụng rộng rãi hơn để phục vụ đất nước. Việc nghiên cứu, phát triển, chế tạo vệ tinh phải được thực hiện tại Việt Nam trong tương lai.
Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nỗ lực, trực tiếp thực hiện chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ trong thời gian tới để phục vụ đất nước. Thủ tướng hy vọng các kỹ sư trẻ trong nhóm nghiên cứu chế tạo vệ tinh MicroDragon sẽ là nền tảng để phát triển những dự án lớn hơn.