Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đại học Việt Nhật được thành lập ngày 21/7/2014 với mục tiêu trở thành
trường đại học tiên tiến ngang tầm khu vực, quốc tế, có chất lượng cao,
nơi hội tụ những tiến bộ của giáo dục quốc tế cũng như những thế mạnh và
giá trị riêng có của cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Dù mới thành lập nhưng nhà trường đã có những tiến bộ mạnh mẽ. Trường áp dụng phương thức quản trị Đại học tiên tiến và đào tạo chất lượng cao theo chuẩn Nhật Bản ngay từ đầu. Ngay sau khi thành lập, trường đã có sự đồng hành của hơn 30 trường Đại học Nhật bản, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Tsukuba… và trường có sự quan tâm rất lớn từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, Giáo sư Furuta Motoo, Đại học Việt Nhật có 4 sự khác biệt cơ bản đó là: Trường đặt mục tiêu phát triển thành trường đại học nghiên cứu tập trung vào hai lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu và yếu là công nghệ kỹ thuật cao và khoa học liên ngành; tập trung vào chất lượng cao và có tính quốc tế hóa cao với sự tham gia của các đại học hàng đầu Nhật Bản và sự liên thông, liên kết với các trường đại học thành viên khác của Đại học Quốc gia Hà Nội; trường áp dụng triết giáo dục khai phóng, triết lý phát triển bền vững và lấy người học làm trung tâm; trường có sự quan tâm lớn của Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Theo mục tiêu đề ra, đến 2020, Đại học Việt Nhật sẽ bắt đầu triển khai đào tạo bậc đại học và tiến sỹ.
Vui mừng đến thăm Đại học Việt Nhật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nhật Bản là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến với nhiều trường đại học danh tiếng xếp hạng cao trên thế giới. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu uy tín hàng đầu của Việt Nam và được quốc tế đánh giá tốt.
Biểu dương những kết quả mà các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, học viên của Đại học Việt Nhật đã đạt được; Thủ tướng cho biết, kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, giáo dục là con đường thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu và tiến lên phát triển bền vững.
Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu với những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ và sáng tạo đang đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho các quốc gia đi sau, nếu có nỗ lực, quyết tâm và chiến lược phát triển đúng đắn có thể đuổi kịp các quốc gia đi trước. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất, sức cạnh tranh quốc gia, Chính phủ các nước đều phải đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Đại học Việt Nhật cần hướng đến trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, trình độ cao, tiến tới là một nơi cung cấp tinh hoa, nhân tài cho xã hội.
Trường không chỉ tập trung vào chuyên môn mà cần chú trọng đào tạo tầm nhìn và kỹ năng cho người học, kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu, nhất là liên kết chặt chẽ và hiệu quả với doanh nghiệp. Các chương trình và nội dung đào tạo phải linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản, bám sát nhu cầu thực tế tại Việt Nam và cập nhật với trình độ quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm lớp học tại Trường Đại học Việt Nhật. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Để đạt được những mục tiêu lớn đó, Thủ tướng đề nghị nhà trường cần hoàn thiện mô hình phát triển; là một đơn vị thành viên, Đại học Việt Nhật cần hợp tác, liên kết chặt chẽ với các thành viên khác của Đại học Quốc gia Hà Nội trong đào tạo, nghiên cứu và sử dụng cơ sở vật chất dùng chung. Trường cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản trị theo mô hình Đại học hiện đại, tiên tiến.
Không chỉ chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện có, trường cần mở rộng cánh cửa trao đổi cho các giảng viên trẻ, những tài năng muốn cống hiến cho sự phát triển của nhà trường và đất nước.
Để hiện thực hóa điều này, trường cần một không gian mở, một môi trường văn hóa giàu bản sắc, đề cao tính phản biện, tính đa dạng, nguyên tắc công bằng, dân chủ, không ngừng tự đổi mới về cơ chế, chính sách, về phương pháp quản trị, cập nhật những xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trường phải luôn là hình mẫu về tình tiên phong, là nơi chứng nghiệm cho các cải cách giáo dục có tính lan tỏa cả Việt Nam và Nhật Bản.
Cùng với đó là chú trọng phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao; cán bộ quản lý có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị đại học tiên tiến. Ưu tiên đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện có. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để đãi ngộ, khuyến khích các giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường và thu hút các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý trình độ cao ở trong, ngoài nước.
Trường cũng cần tập trung vào các ngành và chuyên ngành đào tạo công nghệ mới, mũi nhọn thế mạnh của Nhật Bản; học tập kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu của các Đại học hàng đầu Nhật Bản. Đào tạo và nghiên cứu khoa học phải gắn kết, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng nhân lực, theo ‘'đặt hàng" của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Thủ tướng hy vọng Đại học Việt Nhật sẽ phát huy tốt vai trò là trung tâm hợp tác văn hóa, giáo dục, nơi giao thoa các điểm tương đồng của văn hóa Á Đông, là cầu nối và biểu tượng cho mối quan hệ chiến lược Việt Nam - Nhật Bản và rộng hơn nữa, là biểu tượng toàn diện về hợp tác giáo dục vì sự phát triển bền vững mang tính hình mẫu của ASEAN và châu Á.
Về các kiến nghị của nhà trường, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương soạn thảo nghị định về cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập và xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho các trường đại học hợp tác quốc tế, áp dụng cho Đại học Việt Đức, Đại học Việt Nhật, Việt Pháp bao gồm cả cơ chế về chế độ lương, đãi ngộ, học phí, quản trị tự chủ… Các bộ, cơ quan của Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành các quy định về việc vay vốn ODA ưu đãi từ Chính phủ Nhật Bản cho xây dựng Đại học Việt Nhật.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết cùng phía Nhật Bản phát triển thành công Đại học Việt Nhật sớm trở thành một biểu tượng của của mối quan hệ hợp tác hữu nghị thắm thiết, văn hóa tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.