Sáng 13/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ khai mạc và tham gia phiên đối thoại đặc biệt với các diễn giả, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại sự kiện này.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Trung ương.
Với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đây là sự kiện đầu tiên thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác của Ban cán sự đảng Chính phủ với Ban Kinh tế Trung ương với sự tham gia của gần 1.800 đại biểu và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Bên cạnh Diễn đàn cấp cao do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì, Industry 4.0 Summit 2018 là sự kiện quốc tế có quy mô lớn với 5 phiên Hội thảo quốc tế theo chuyên đề và hoạt động Triển lãm công nghệ 4.0.
Trước khi dự Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu với những giải pháp công nghệ hiện đại như hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh, công nghệ blockchain, xác định nguy cơ bảo mật, công nghệ xác thực… Đây là một cơ hội mang đến cho các đại biểu, khách hàng tiếp cận với các sản phẩm, giải pháp về công nghiệp thông minh trong các nhóm ngành sản xuất, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghệ thông tin. Đồng thời, đây cũng là dịp kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp.
Một trong những điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện ấn tượng của Sophia - người máy đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới. Ban Tổ chức phối hợp với UNDP đưa robot Sophia - quán quân sáng tạo của UNDP tới tham gia tương tác tại Diễn đàn. Với sự ưu việt về trí tuệ nhân tạo, vẻ ngoài khá tự nhiên và lối diễn thuyết lưu loát, ấn tượng, vị công dân đặc biệt này đã trả lời một số câu hỏi của đại biểu liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc khai thác đúng đắn, kịp thời những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức chung của các quốc gia nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn. Cách mạng công nghiệp một mặt mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.
Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, sự liên kết, gắn kết trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động, kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền, an ninh cho người dân và đất nước.
Theo chương trình, trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Phiên đối thoại về chính sách với chủ đề: Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Việt Nam.