Thủ tướng dự Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015

Sáng 5/12, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015 (VDPF 2015) đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria KwaKwa.

Diễn đàn có sự góp mặt của nhiều quan chức cấp cao của các tổ chức quốc tế, các vị đại sứ, người đứng đầu các tổ chức ngoại giao, trưởng đại diện các cơ quan đối tác phát triển của Việt Nam; các đại diện cao cấp của nhiều bộ, ngành và cơ quan chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và tham gia đối thoại tại diễn đàn quan trọng này.

VDPF 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững” bao gồm hai phiên thảo luận chính về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 và ba đột phá chiến lược trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Diễn đàn VDPF 2015 được tổ chức trong bối cảnh 2015 là năm quan trọng của Việt Nam với nhiều sự kiện kinh tế - chính trị lớn diễn ra: Là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 với nhiều biến động, khó khăn; là năm tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII, nơi sẽ thông qua định hướng quan trọng nhất cho phát triển kinh tế xã hội đất nước giai đoạn tới. Với nhiều nội dung đối thoại chính sách cao cấp giữa chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển (DPs), VDPF được kỳ vong sẽ là cơ sở để hoạch định những chính sách quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định mong muốn của chính phủ Việt Nam là hoan nghênh và tiếp thu những ý kiến đóng góp, nhận xét từ các đối tác đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 của Việt Nam cũng như những định hướng, mục tiêu 5 năm tiếp theo, đặc biệt là những giải pháp đột phá mang tính chiến lược. Những ý kiến góp ý sẽ được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung vào các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch phát 5 năm 2016-2020 và sẽ trình Quốc hội vào tháng 3/2016.

Dành những đánh giá tốt đẹp về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria KwaKwa cho rằng, 5 năm qua Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong mỗi trụ cột chiến lược. Tốc độ tăng trưởng bình quân gần đạt 6% trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực ở mốc 5,6%, đưa quy mô kinh tế tăng gần gấp đôi, hiện đạt 200 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8%, ở mức 2.200 USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 20,7% năm 2010 xuống còn 11,3% năm 2014. Hiến pháp 2013 và một loạt các đạo luật khác đã được thông qua góp phần củng cố vững chắc khung pháp lý hỗ trợ nền kinh tế thị trường phát triển tốt.

Góp ý về định hướng lớn trong phát triển tại Việt Nam giai đoạn 5 năm tiếp theo, bà Victoria KwaKwa đề cập đến 4 vấn đề lớn bao gồm: thách thức về năng suất lao động; dấu chân môi trường trong tăng trưởng; tình trạng nghèo và phúc lợi xã hội và năng lực, trách nhiệm giải trình của chính phủ. Một trong những vấn đề lớn được bà Victoria KwaKwa gợi mở thảo luận tại diễn đàn là khó khăn về nguồn lực của Việt Nam cho những chương trình phát triển trong 5 năm tới khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần.

Tại diễn dàn, đại diện của nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đưa ra những nhận định, thắc mắc và kiến nghị đối với nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu ở những nội dung như: Cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động, chống tham nhũng, chú trọng phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, luật pháp…

Phát biểu tại diễn đàn, thay mặt chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, đánh giá cao và chân thành cảm ơn những ý kiến góp ý đầy thiện chí, với tinh thần xây dựng cao của đại diện Ngân hàng Thế giới và các tổ chức, cơ quan hợp tác quốc tế, các chuyên gia.

Trao đổi tóm tắt về kết quả chủ yếu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2015, 5 năm 2011-2015 và định hướng phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, bước vào giai đoạn mới, Việt Nam nhận thức rõ, con đường phát triển sắp tới bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn phải vượt qua những thách thức không nhỏ mà điều kiện khách quan là sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới và những diễn biến phức tạp, khó lường ngay trong khu vực và thế giới.

Đề cập đến mục tiêu phát triển giai đoạn 2016 – 2020 của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, yêu cầu đặt ra cho giai đoạn này là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước với các trụ cột; trong đó, mục tiêu cao nhất là tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn phấn đấu đạt mức từ 6,5 đến 7%.

Cùng với tăng trưởng kinh tế là phải phát triển văn hóa, đảm bảo tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống người dân, lấy con người là trung tâm của sự phát triển. Là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để thực hiện những mục tiêu trên, Việt Nam nhất quán thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh việc phát triển giáo dục đào tạo với chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Thông tin với các đối tác về 5 giải pháp của Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ưu tiên thực thi các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô gắn với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả trong kinh tế thị trường; tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, thị trường vốn; tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Chính phủ cũng sẽ triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo giữ bội chi ngân sách dưới 4% theo quy định của Luật Ngân sách; bảo đảm nợ công giới hạn an toàn và sử dụng hiệu quả đầu tư công. Việt Nam kiên quyết bảo đảm an toàn nợ công, giữ vững an ninh tài chính quốc gia bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.

Liên quan đến vấn đề gợi mở tại diễn đàn về nguồn lực phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả quy định của kinh tế thị trường sẽ là điều kiện quan trọng để huy động các nguồn vốn cả trong nước và quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, đồng bộ, trong đó, ưu tiên, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân dưới hình thức doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính người dân Việt Nam quyết định thành bại của sự phát triển kinh tế đất nước, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi phát triển con người, lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực và trung tâm của sự phát triển. Là thành viên tích cực tham gia xây dựng 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc giai đoạn sau 2015, Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu này và lồng ghép vào các chương trình, dự án cụ thể.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị nền kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế pháp; luật bảo đảm tốt hơn các quyền dân chủ, tự do, quyền sở hữu của người dân, quyền con người, quyền công dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp chính sách phát triển và giám sát việc thực hiện đảm bảo công khai minh bạch; ngăn ngừa tham nhũng đi đôi với tăng cường cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm tốt an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, người nước ngoài tới đầu tư, sinh sống là làm ăn tại Việt Nam. Việt Nam khẳng định nhất quán chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các quốc gia, dân tộc và mong muốn là bạn, đối tác tin cậy với các quốc gia, vùng lãnh thổ để cùng phát triển, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm của Việt Nam vượt qua các thách thức phát triển và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm giúp đỡ của các đối tác, các tổ chức quốc tế trong thời gian tới.

Quang Vũ (TTXVN)
Thủ tướng làm việc với Liên minh châu Âu
Thủ tướng làm việc với Liên minh châu Âu

Trong khuôn khổ chuyến thăm Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày chiều ngày 2/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz và Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam tại Nghị viện châu Âu Jan Zahradil.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN