Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm châu thổ sông Mê Kông, cách thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam 240km; cách thành phố Cần Thơ – trung tâm Đồng bằng Sông Cửu Long 60km. Về phía Đông, Hậu Giang giáp sông Hậu – một nguồn tiềm năng lớn về cung cấp nước ngọt, vận tải thủy.
Do giáp ranh với Thành phố Cần Thơ nên kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội của Hậu Giang rất thuận lợi cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực sân bay, cảng biển, giáo dục, đào tạo, dạy nghề; chăm sóc sức khỏe cũng như các dịch vụ về khoa học kỹ thuật, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm. Vùng đất này cũng thuận tiện triển khai các dự án dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí; các cơ sở an sinh ở khu đô thị mới, dịch vụ nhà hàng, khách sạn 3 – 5 sao, văn phòng cho thuê, hệ thống siêu thị, hoạt động nghệ thuật và du lịch sinh thái...
Ngoài 2 tuyến quốc lộ là quốc lộ 1A và quốc lộ 61 chạy qua, Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu – 1 trong 2 nhánh sông lớn của sông Mê Kông, là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ. Kinh xáng Xà No, kinh Quản lộ Phụng Hiệp là đường thủy quốc gia từ thành phố Hồ Chí Minh xuyên đồng bằng đổ ra biển Tây, nối các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đi Campuchia, biển Đông và các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, trung ương và tỉnh đang tập trung đầu tư mới tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tuyến lộ Nam sông Hậu nối cầu Cần Thơ đi các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Do có vị trí là trung tâm tiểu vùng Tây Sông Hậu, cửa ngõ của Bắc bán đảo Cà Mau, có lợi thế đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, Hậu Giang có vai trò, vị trí kinh tế quan trọng đối với khu vực châu thổ sông Mê Kong.
Hậu Giang đã xây dựng Khu đô thị Công nghiệp sông Hậu quy mô diện tích
3.275 ha; Cụm công nghiệp Tân Phú Thạnh quy mô diện tích 201 ha; Cụm
công nghiệp Vị Thanh quy mô diện tích 53 ha; Cụm công nghiệp Ngã Bảy qui
mô diện tích 25 ha. Hiện các Khu – Cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu
hút nhiều nhà đầu tư đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước
lấp kín địa bàn.
Ngoài ra, vùng đất Hậu Giang còn nhiều tiềm
năng tự nhiên chưa được khai thác hết, là nơi mưa thuận gió hòa thích
hợp phát triển nền kinh tế nông nghiệp nhiệt đới. Miền đất này còn lưu
giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
miền sông nước Nam Bộ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế đầu tư đó, Hậu Giang đã xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực hơn trong việc hỗ trợ về mặt bằng, thuế, tìm kiếm lao động, vùng nguyên liệu… mà tỉnh đã có sẵn, Hậu Giang chú trọng thu hút đầu tư vào những ngành kinh tế mà tỉnh có nhiều lợi thế như công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, thủy sản, trong đó trọng tâm là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, trồng và chế biến nông sản. Còn lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị sẽ thu hút các dự án khu đô thị sinh thái ven sông, khách sạn, nhà hàng, siêu thị… Ngoài ra, còn có các dự án du lịch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, cho rằng Hậu Giang đã tổ chức tốt một cơ hội xúc
tiến đầu tư trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi
nhận và bày tỏ vui mừng trước sự chia sẻ, hỗ trợ của các địa phương lân
cận dành cho Hậu Giang, điều này thể hiện tình cảm, sự gắn bó keo sơn
của đối và người trên mảnh đất Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ
tướng nhìn nhận, là một tỉnh thuần nông, nhưng Hậu Giang đang có một sức
bật vươn lên mạnh mẽ về mọi mặt trên cơ sở khai thác tốt hơn tiềm năng,
lợi thế sẵn có như nguồn nguyên liệu dồi dào, cây ăn quả đa dạng, nhiều
giống lúa chất lượng cao, có thương hiệu. Hậu Giang còn có một lợi thế
về lực lượng lao động dồi dào chiếm đến 65% dân số mà phần lớn là lao
động trẻ và cần cù, chăm chỉ.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế của địa phương, Thủ tướng đề
nghị Hậu Giang cần tiếp tục có tầm nhìn xa hơn; xây dựng và tổ chức
thực hiện quy hoạch đặt trong quy hoạch phát triển tổng thể của khu vực
Đồng bằng Sông Cửu Long, coi đây như một thể hữu cơ, thống nhất, không
thể tách rời. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ cần một quy hoạch trên cơ
sở đó các tỉnh trực thuộc có sự phân công, tổ chức sản xuất, lao động
phù hợp và mỗi tỉnh có cách làm sáng tạo trong mối liên kết đó, Thủ
tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải
cách hành chính, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi
trường đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tỉnh phải chú trọng việc
tháo gỡ rào cản phát triển nhất là về môi trường kém cạnh tranh, hiện
chưa tạo được niềm tin để khơi thông nguồn vốn trong dân phục vụ phát
triển; nỗ lực tạo niềm tin tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ và hợp tác đầu tư vào tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cấp trong tỉnh phải lắng nghe và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp về dịch vụ công, tìm kiếm thị trường để nhà đầu tư tự quyết định, đó chính là kiến tạo phát triển, phục vụ, Thủ tướng nói và đề nghị Hậu Giang nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin phản hồi cho doanh nghiệp, tránh tình trạng trì trệ trong vấn đề này, như vậy mới thể hiện một chính quyền gắn bó với doanh nghiệp.
Về hướng phát triển cụ thể, Thủ tướng gợi ý Hậu Giang đẩy mạnh tái cơ
cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu,
thúc đẩy mô hình nông nghiệp chất lượng cao, liên kết 4 nhà, nhân rộng
các mô hình tốt, hiệu quả.
Cho rằng, phát triển doanh nghiệp còn
là một khâu yếu của Hậu Giang với tỷ lệ gần 400 người dân/1 doanh
nghiệp kém gấp 3 lần so với mức trung bình của cả nước, Thủ tướng chỉ
rõ, việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp là một trong những vấn đề cần
được tỉnh ưu tiên thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Với nền
tảng nguồn nhân lực dồi dào, Hậu Giang cần nghiên cứu, chuyển dịch mạnh
mẽ cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lao động trong lĩnh vực nông
nghiệp tương ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua giáo dục, đào
tạo, dạy nghề. Đây cũng là hướng mà các nhà đầu tư quan tâm, Thủ tướng
đề nghị.
Cùng với đó là thúc đẩy du lịch, dịch vụ, nhất là du
lịch miệt vườn, sông nước thông qua tăng cường tuyên truyền, quảng bá.
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường, Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang
tập trung các giải pháp đảm bảo môi trường sống lâu dài cho người dân.
Thủ tướng cho biết Chính phủ hạn chế tối đa làm mới nhiệt điện than tại
Hậu Giang và cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, khuyến khích điện gió,
công nghệ thân thiện với môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem các sản phẩm trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phát biểu với các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư tại hội nghị, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh dài hơi, có quyết tâm mạnh mẽ tạo ra sự phát triển ổn định tại địa phương. Đi liền với đó là đề cao bảo vệ môi trường; giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường để bảo vệ cuộc sống của người dân. Thủ tướng cũng mong muốn đội ngũ các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên địa bàn phối hợp tốt hơn với chính quyền sở tại để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ ưu tiên và nỗ lực cho tăng trưởng và đang phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2017 trong bối cảnh tình hình khó khăn chung trong nước và quốc tế. Chính phủ kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; tiếp tục kiên định mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua hoàn thiện thể chế, giảm phí doanh nghiệp và hội nhập ngày càng sâu, rộng vào các thị trường lớn trong khu vực và trên thế giới. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển sản xuất.