Chiều 23/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam rời thành phố Yangon, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 7 (HNCC CLMV 7) và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 (HNCC ACMECS 6) diễn ra tại Myanmar từ ngày 22-23/6. Tại đây, các ý kiến chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của các nước thành viên, đặc biệt là các chương trình hợp tác vì sự phồn thịnh của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao CLMV 7. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Tại HNCC CLMV 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo của Campuchia, Lào, Myanmar tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ truyền thống, láng giềng hữu nghị và cùng có lợi giữa các nước CLMV và thúc đẩy hơn nữa hợp tác CLMV vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Đồng thời tập trung rà soát tình hình hợp tác trong 2 năm qua và thảo luận phương hướng hợp tác trong giai đoạn tới; nhất trí thông qua Chương trình hành động CLMV trong lĩnh vực kinh tế thương mại cho các năm tới; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư thông qua các thỏa thuận song phương và đa phương, mở rộng việc thực hiện mô hình kiểm tra một cửa một lần dừng tại các cửa khẩu quốc tế giữa các nước; phát huy tối đa tiềm năng của các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông-Tây và Hành lang kinh tế phía Nam; xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng;...
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN và dịch chuyển cơ cấu của các nền kinh tế lớn trong khu vực mở ra không gian phát triển rộng lớn với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Nằm trên giao lộ kết nối giữa Đông Nam Á với các thị trường rộng lớn là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, với lực lượng lao động ở độ tuổi vàng, nguồn tài nguyên dồi dào và quy mô thị trường gần 190 triệu dân, các nước CLMV có tiềm năng lớn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và trở thành một động lực tăng trưởng mới của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh để khai thác tốt cơ hội này, điều quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế CLMV. Thủ tướng đã đề xuất một số ưu tiên hợp tác giữa 4 nước trong thời gian tới.
Theo đó, thứ nhất là tăng cường kết nối về chính sách và cơ sở hạ tầng. Cụ thể là sớm chuyển đổi các hành lang giao thông thành hàng lang kinh tế thông qua các chính sách tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại xuyên biên giới; thực hiện nghiêm túc Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hoá qua biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS CBTA) và các thỏa thuận song phương và đa phương liên quan; đẩy nhanh thực hiện cơ chế một cửa và quá cảnh hải quan ASEAN; hoàn thiện và nhân rộng mô hình kiểm tra "một cửa một lần dừng" tại các cặp cửa khẩu quốc tế trong tiểu vùng Mekong…; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, cam kết song phương và đa phương về tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; nghiên cứu xây dựng kết nối trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, tài chính; phối hợp vận động đầu tư cho các công trình kết nối hạ tầng cứng.
Thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa và hội nhập các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực hiện có. Chủ động tăng cường các chương trình liên kết đào tạo với các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển. Thúc đẩy hợp tác về di chuyển thể nhân, bảo đảm nguồn cung nhân lực cho doanh nghiệp và các khu công nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động.
Thứ ba là cần làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của các nước CLMV, những cơ hội kinh doanh mới từ các chương trình cải cách đang được thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với hợp tác CLMV và mong muốn bốn nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai thành công hơn nữa các chương trình hợp tác vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị và nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 8 tại Việt Nam trong năm 2016.
Phát biểu về việc Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đảm nhận vai trò điều phối hợp tác CLMV giai đoạn tới vừa là vinh dự, song cũng là trách nhiệm lớn đối với Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực để thực hiện thành công trọng trách này. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo kế hoạch của Việt Nam phối hợp Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức một diễn đoàn đối thoại kinh doanh cao cấp về tiểu vùng Mekong bên lề HNCC CLMV 8.
Tại HNCC ACMECS 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo đã ghi nhận những tiến bộ đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2013 - 2015, đặc biệt trong kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa năm nước, phát triển các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế phía Nam (SEC), phát triển du lịch xanh và hợp tác nông nghiệp.
Về định hướng cho hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016 - 2018 với mục tiêu là nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế, đưa ACMECS thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch, hình thành cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực ACMECS, đặc biệt ở các khu vực biên giới và tận dụng các cơ hội phát triển mới mà Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Tám lĩnh vực hợp tác ưu tiên cũng đã được các nhà lãnh đạo xác định là: tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, hợp tác công nghiệp và năng lượng, kết nối giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế và hợp tác về môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, qua hơn 10 năm hợp tác, ACMECS đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi quốc gia, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước thành viên, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Những thành quả đạt được đã tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trong khuôn khổ ACMECS.
Nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện quyết liệt các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng Hợp tác ACMECS và sẵn sàng cùng các nước thành viên, các đối tác phát triển triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, vì sự phồn thịnh của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực.
Về hợp tác trong giai đoạn tới, tái khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác ACMECS cũng như nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa các nước thành viên ACMECS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ACMECS đặt trọng tâm vào 3 nội dung lớn như sau.
Thứ nhất là hợp tác về nông nghiệp, Thủ tướng cho đây là lĩnh vực có tiềm năng và cũng là ngành sản xuất chiếm tỷ lệ lao động lớn nhất tại các nước ACMECS. Do đó, mục tiêu chính của việc hợp tác là hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng suất lao động thông qua thu hút đầu tư, tạo quy mô kinh tế lớn hơn và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại; phát triển ngành công nghiệp chế biến để tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp tại tiểu vùng và từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thứ hai là tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại biên giới, đặc biệt là dọc các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng; thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết; phối hợp xây dựng các chính sách mới thúc đẩy thương mại, đầu tư và hình thành các tuyến vận tải mới kết nối năm nước. Đề nghị các nước sớm triển khai mô hình kiểm tra một lần dừng tại các cặp cửa khẩu dọc tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây và hành lang kinh tế phía Nam.
Thứ ba là hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong, đặc biệt là trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, phối hợp thực hiện đánh giá chung về tác động môi trường xuyên biên giới. Bên cạnh nguồn nội lực, các nước ACMECS cần phối hợp cùng vận động hỗ trợ từ các đối tác trong triển khai các dự án hợp tác.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh để ACMECS hoạt động hiệu quả, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác ACMECS, tăng cường đối thoại giữa Hội đồng kinh doanh ACMECS với đại diện Chính phủ nhằm bảo đảm kênh thông tin xuyên suốt và tính thiết thực của hợp tác ACMECS.
Sau HNCC ACMECS 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ACMECS với cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp của khu vực doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế xã hội của các nước ACMECS và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu và tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác của ACMECS, chủ động đưa ra các sáng kiến và đóng góp ý kiến cho các hoạt động hợp tác.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Myanmar Thein Sein; dự một số hoạt động do Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM) tổ chức tại Yangon, trong đó có Lễ nghiệm thu giai đoạn 1 Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai, lễ khai trương hoạt động của Công ty Tài chính Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Myanmar, Văn phòng đại diện Tổng công ty bảo hiểm BIDV tại Myanmar.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là những sự kiện có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Myanmar đang kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2015); là thành quả thiết thực nhờ nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác đầu tư, kinh doanh tại địa bàn Myanmar.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao BIDV, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư ở thị trường Myanmar. Những thành tựu hợp tác kinh doanh các doanh nghiệp của Việt Nam đạt được tại Myanmar thời gian qua là rất đáng khích lệ, đóng góp thiết thực cho quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương giữa Việt Nam với Myanmar. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), BIDV và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về những bước tiến mới quan trọng này, đặc biệt là việc hoàn thành giai đoạn 1 Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai, một dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản tại Myanmar và là công trình mang tính biểu tượng cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Myanmar.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ Myanmar nói chung và chính quyền vùng Yangon nói riêng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư của Việt Nam; đồng thời khẳng định Việt Nam luôn hết sức coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Myanmar, đặc biệt là hợp tác trong 12 lĩnh vực ưu tiên như nêu trong Tuyên bố chung về hợp tác Việt Nam - Myanmar ký tháng 4/2010.
Nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn với nhiều cơ hội làm ăn, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh Myanmar tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế và mở cửa và Cộng đồng Kinh tế Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hình thành vào năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị AVIM trong thời gian tới tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar trong 12 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, đầu tư, bất động sản; đồng thời phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan hai nước phát hiện và đề xuất giải quyết các trở ngại, vướng mắc trong việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần chủ động; tăng cường tìm hiểu, nắm bắt luật pháp, văn hóa và đặc điểm thị trường Myanmar; đoàn kết quyết tâm vượt qua các khó khăn và trở ngại để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Myanmar.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác giữa BIDV với ngân hàng Global Treasury Bank, Myanmar và lễ ký hợp đồng tín dụng trị giá 30 triệu USD của BIDV dành cho Ngân hàng SMIDB của Myanmar để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản tại Myanmar với tổng mức đầu tư 440 triệu USD, được triển khai trên quỹ đất có diện tích gần 73.400 m2. Khi đưa vào sử dụng, khu phức hợp sẽ trở thành một điểm nhấn kiến trúc đặc biệt cho thành phố Yangon, dự án cũng sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách hàng năm cho thành phố hàng triệu USD. Hoàn thành giai đoạn 1, dự án đưa vào hoạt động 1 trung tâm thương mại, 2 tháp văn phòng cho thuê hạng A cao 27 tầng, một khách sạn quy mô trên 400 phòng,…
Giai đoạn 2 của dự án sẽ được triển khai từ tháng 6/2015 đến quý II/2017, sẽ xây dựng 4 tòa tháp 28 tầng gồm 1.800 căn hộ và khu văn phòng cho thuê với tổng diện tích hơn 63.800 m2.