1. Tại Diễn đàn Hội nghị WEF năm nay với chủ đề “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại các phiên họp toàn thể, đối thoại về các chủ đề chính như “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”, “Triển vọng ASEAN sau chặng đường 50 năm thành lập và phát triển”, “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực”, “Quản trị vững mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, “Bản sắc ngành chế tạo: ASEAN đã trở thành một cộng đồng hay chưa?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nước cần hành động có trách nhiệm đối với duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới và khu vực; đánh giá cao vai trò của các tổ chức đa phương, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN trong việc thúc đẩy các lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại phiên toàn thể với chủ đề “Bản sắc ngành chế tạo: ASEAN đã trở thành một cộng đồng hay chưa?”. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Khẳng định Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tại phiên toàn thể về vai trò ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật các thành tựu trên chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, đánh giá cao nguyên tắc đồng thuận và “Phương cách ASEAN” tạo nên bản sắc của ASEAN; cho rằng các nước thành viên cần hợp tác chặt chẽ thực hiện hiệu quả lộ trình Tầm nhìn 2025 của Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát huy hợp tác nội khối, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác nhằm tạo cơ hội thu hút đầu tư, thương mại vào khu vực; tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt về bảo đảm an ninh, gìn giữ hòa bình, hợp tác. Khẳng định Việt Nam đóng góp quan trọng và có trách nhiệm vào củng cố đoàn kết và đồng thuận ASEAN, nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.
2. Trong các hoạt động song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard và lãnh đạo nhiều nước tham dự hội nghị như Thủ tướng Áo Christian Kern, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Hoàng hậu Hà Lan Máxima, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Tại các cuộc gặp gỡ, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp, nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Thụy Sĩ, Bà Doris Leuthard. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
3. Trong khuôn khổ dự Hội nghị WEF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng Thư ký Liên hợp Quốc Antonio Guterres), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tahehiko Nakao, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angen Gurria. Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, vì sự thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Young Kim. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với Chủ tịch WEF Klaus Schwab đã chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Theo đó, WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của WEF; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu...; nâng cao năng lực thông qua nhận cán bộ Việt Nam thực tập tại các cơ quan, tổ chức của WEF. Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác.
4. Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ lãnh đạo chủ chốt của 40 tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn thuộc Top 500 tập đoàn lớn nhất thế giới về tài chính và công nghệ như Microsoft, Facebook, Alphabet (Google), Qualcom, Standard Chartered, Prudential, Alibaba, JETRO, Mitsubishi, UPS, Carlyle, Swiss Re… và có 2 cuộc đối thoại chuyên đề với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và tài chính, trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2017 sẽ đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh thuận lợi bằng mức trung bình của 4 nước hàng đầu ASEAN (ASEAN-4). “Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, xử lý tranh chấp…”, Thủ tướng nêu rõ. “Nền tảng thể chế đó phải bảo đảm tính toàn diện, bao trùm, trao cho mọi người dân cơ hội đóng góp vào thành công tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi xứng đáng với thành quả đó”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, ông Jack Ma. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các tập đoàn nước ngoài đến với Việt Nam cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích và cùng thịnh vượng như bày tỏ mong muốn tập đoàn Prudential (Anh) mở rộng kinh doanh ở Việt Nam, triển khai nhiều chương trình, dự án, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bảo hiểm, dịch vụ tài chính ở Việt Nam; ủng hộ tập đoàn Alphabet - Google (Mỹ) mở văn phòng ở Việt Nam và đề nghị Google hợp tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp, đào tạo nhân lực; đề nghị tập đoàn Qualcomm tiếp tục mở rộng ứng dụng mạng 4G và 5G ở Việt Nam; đề nghị Swiss Re chia sẻ kinh nghiệm và triển khai thêm các chương trình, dự án hợp tác thiết thực với Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nông nghiệp, nông dân...
Các tập đoàn đều đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, hoan nghênh nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam cũng như mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhu cầu như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao…
Có thể nói, chuyến tham dự Hội nghị WEF lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang tới những thông điệp mạnh mẽ về đường lối, định hướng, chính sách và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 – 2020. Khẳng định rõ cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển, tăng cường lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, cũng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động năm Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.