Tiên phong trong cải cách
Ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã cập nhật sổ, thẻ, quản lý thu, giám sát chi trả với 63 tỉnh, thành và trên 709 huyện, thành thị, với 82 triệu thẻ bảo hiểm y tế và hơn 4,2 triệu hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội hưu trí. Trung tâm điều hành cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH là điểm rất mới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và đưa ra con số thời gian thực hiện thủ tục BHXH đã giảm từ 335 giờ xuống còn 45 giờ, từ 115 bộ thủ tục hành chính nay còn 28 bộ thủ tục. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, đó là tạo ra sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành, mang tính chất phục vụ người đóng bảo hiểm, kiểm soát các cơ sở khám chữa bệnh tránh tình trạng lợi dụng, tạo bước quản trị tốt.
Bộ trưởng đánh giá cao tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách, hiệu quả cải cách của BHXH Việt Nam bằng các chỉ số rõ ràng, tác động rõ rệt tới kinh tế - xã hội của đất nước. Cách chi trả cũng rất rõ, tiện lợi, kịp thời. Bộ trưởng cho biết, trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, có cơ sở dữ liệu BHXH. BHXH Việt Nam xây dựng được cơ sở dữ liệu BHXH trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư chưa có, đó là điều rất đáng ghi nhận.
Bộ trưởng cũng ghi nhận các kết quả trong mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bao phủ rộng, thể hiện điểm ưu việt trong chính sách an sinh xã hội. Công tác thanh tra chuyên ngành, truy thu đối với các đơn vị nợ đọng được quan tâm, tỷ lệ nợ giảm chỉ còn 2,9%. Công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế có nhiều chuyển biến rõ rệt, kịp thời phát hiện các vi phạm, giảm các khoản chi không cần thiết qua việc giám định tự động. Hệ thống đại lý BHXH, bảo hiểm y tế được mở rộng.
Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý BHXH Việt Nam bảo toàn cơ sở dữ liệu BHXH bởi đây là dữ liệu của quốc gia, tài sản của đất nước, quản lý chặt chẽ hệ thống bảo mật, các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết 28-NQ/TW cải cách chính sách BHXH, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, có lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục cải cách hành chính, có nhiều dịch vụ công trực tuyến với người dân.
Bộ trưởng cũng nhắc BHXH Việt Nam chuẩn hóa số liệu, số hóa 82 triệu thẻ định danh của người dân; có giải pháp xử lý việc mất cân đối trong quỹ bảo hiểm y tế, giám định chi trả đúng người, đúng đối tượng; phát hiện sớm, xử lý kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm y tế.
Báo cáo với Tổ công tác, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, đến nay, cơ quan này cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, bảo hiểm xã hội là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018.
Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 6 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ (thẻ) tham gia bảo hiểm y tế. BHXH Việt Nam sẵn sàng chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan khác vào cuối năm nay, tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia, riêng với ngành thuế, hai bên đang trao đổi rất thường xuyên. Thời gian tới, bảo hiểm xã hội sẽ điện tử hóa thẻ BHXH, bảo hiểm y tế, thậm chí người dân chỉ cần dấu vân tay, không cần sử dụng thẻ, là có thể sử dụng các dịch vụ của bảo hiểm y tế.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định về chia sẻ, kết nối thông tin giữa các bộ, ngành; tiến tới sử dụng dữ liệu điện tử để thực hiện giao dịch điện tử ở mức độ 4; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến việc quản lý tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời thống nhất các tiêu thức quản lý giữa các bộ, ngành.
Ông Trần Đình Liệu cũng bày tỏ mong muốn cơ sở dữ liệu của Văn phòng Chính phủ kết nối được với dữ liệu BHXH; Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm theo hướng: giảm thủ tục hành chính liên quan đến đóng, hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm y tế; giao đầy đủ chức năng thanh tra đóng, hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm y tế cho ngành bảo hiểm xã hội.
“Ép” các bộ kết nối cơ sở dữ liệu
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng nếu không ứng dụng công nghệ thông tin thì “ngập đầu trong đống tài liệu, công việc chậm, áp lực và rất nhiều sai sót, nên trong nội tại có áp lực phải thay đổi. Kinh nghiệm này phải áp dụng ở các nơi để rút bớt người”.
Ông cũng băn khoăn khi một số nơi thực hiện tốt Chính phủ điện tử nhưng lại tắc khi kết nối lên Văn phòng Chính phủ, lên các bộ, buộc những thủ tục đó vẫn phải làm trên giấy tờ, vẫn phải mang “lên trung ương”. Ông đề nghị Văn phòng Chính phủ đã làm rất tốt thì “ép” các bộ để kết nối, vì còn rất nhiều thủ tục ở dưới địa phương thẩm quyền xử lý là ở trung ương.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, định biên cho ngành BHXH là 27 nghìn cán bộ, nhưng thực tế chỉ có 20,5 nghìn người. Vì vậy, cán bộ BHXH có một giai đoạn làm đến 9, 10 giờ đêm, làm cả thứ bảy, chủ nhật. Thời điểm năm 2009, có hơn 1.000 cán bộ bỏ việc... “Nếu không cải cách thì mình chết”, bà Nguyễn Thị Minh nói.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện vấn đề thể chế trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và nền kinh tế số còn thiếu rất nhiều. Vừa qua, Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước xây dựng quy định vấn đề chia sẻ dữ liệu, kết nối chia sẻ, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, Bộ Nội vụ tham mưu giúp Thủ tướng ban hành quy định lưu giữ tài liệu điện tử.
Nhiều chuyên gia cùng Văn phòng Chính phủ - cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia Chính phủ điện tử - nghiên cứu theo hướng xây dựng một khung tổng thể Chính phủ điện tử quốc gia, thiết kế những kiến trúc của ngành BHXH và các bộ, ngành khác. Các bộ, ngành phải có thiết kế chi tiết, đồng thời phải xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là về dân cư.
Muốn có thẻ căn cước điện tử thì phải có cơ sở dữ liệu. Theo cách làm này thì rất lâu chúng ta mới có thể hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi chưa có cơ sở dữ liệu này, có khi phải dùng cả số thẻ BHXH điện tử để thực hiện thanh toán điện tử, thương mại điện tử, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, hiện Văn phòng Chính phủ đã có đường truyền gửi nhận văn bản điện tử nhưng việc chia sẻ với các địa phương chưa làm được. “Có kết nối nhưng chưa chia sẻ và cũng chưa ai cho ai cái gì, mặc dù cái đó có thể không đến mức độ mật. Vì chúng ta chưa có quy định về thể chế, chưa có pháp lý chính xác. Hiện đang xúc tiến, đốc thúc sớm cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông phải hoàn thiện, không ai làm thay được, nhiệm vụ chính của Bộ hiện nay chưa làm được gì cả”, ông nói.
Bộ trưởng cũng nêu tình trạng do không có khung tổng thể nên ngay 1 tỉnh, rất nhiều sở, ngành, huyện đa phần không ứng dụng được với nhau được, không kết nối và chia sẻ được. Nền hạ tầng hiện cũng chưa thể yên tâm, chưa thể khẳng định được là hạ tầng công nghệ thông tin đã đảm bảo an toàn.