Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ hiện nay trong việc thúc đẩy nền kinh tế bối cảnh hậu COVID-19 và những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới. Thủ tướng đồng thời khẳng định lực lượng lao động nữ, công tác bình đẳng giới cùng nhiều hoạt động hướng đến phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam và New Zealand có nhiều điểm tương đồng.
Với những nét tương đồng giữa hai quốc gia, Thủ tướng Jacinda Ardern tin tưởng chính sách bình đẳng giới sẽ là một phần trong việc tăng trưởng kinh tế bền vững; chính sách thương mại và sáng kiến kinh tế giữa hai quốc gia sẽ là động lực để thúc đẩy phụ nữ tham gia các hoạt động kinh doanh và lãnh đạo…
Theo Thủ tướng Jacinda Ardern, khi đại dịch COVID-19 trở thành tâm điểm của thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ thu hẹp trong năm nay và năm tiếp theo. Điều đó đặt ra cho mỗi quốc gia rất nhiều thách thức và luôn trong tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, “trong nguy có cơ” và mỗi quốc gia có thể tận dụng những cơ hội này để có thể làm được nhiều điều tốt hơn.
Chia sẻ về đời sống, việc làm của người phụ nữ và trẻ em, Thủ tướng Jacinda Ardern cho rằng phụ nữ và trẻ em phải chịu gánh nặng bởi tác động của dịch COVID-19; đại dịch đã làm sâu sắc hơn vấn đề nghèo đói và tình trạng bạo lực gia đình. Người phụ nữ chịu ảnh hưởng không cân xứng trong việc vừa chăm sóc trẻ em, trách nhiệm với gia đình và mất việc làm khi các nhà máy, xí nghiệp đóng cửa.
Theo Thủ tướng Jacinda Ardern, trong 30 năm qua, tỷ lệ phụ nữ New Zealand tham gia vào lực lượng lao động đã tăng từ 54% lên 70%. Tại Việt Nam, con số này là 76% vào năm 2019. Trong khi tỷ lệ trung bình của toàn cầu là 47%. Điều này cho thấy hai quốc gia đều có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động khá cao; đồng thời khẳng định phụ nữ là một phần rất quan trọng trong nền kinh tế hiện nay.
Mới đây, Chính phủ New Zealand đã có nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ trong việc chăm sóc con cái, giáo dục mầm non, quyền được nghỉ phép khi tham gia lao động và hơn hết là hỗ trợ cho phụ nữ sau sinh con tái gia nhập lực lượng lao động.
Ngoài ra, New Zealand còn thực hiện các giải pháp như: tăng thời gian được nghỉ phép, tổ chức bữa ăn trưa miễn phí tại các trường học, trao tặng các sản phẩm chăm sóc phụ nữ… Qua đó nhằm giúp phụ nữ được đảm bảo an toàn hơn trong tài chính, công bằng hơn trong việc trả lương, loại bỏ các rào cản thông qua các chính sách tốt hơn, tạo môi trường làm việc thuận lợi linh hoạt hơn; đồng thời giúp người phụ nữ có khả năng chống chọi tốt hơn trong khủng hoảng kinh tế.
Tại buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, nữ doanh nhân New Zealand và Việt Nam, Thủ tướng Jacinda Ardern đã có những chia sẻ về công việc, đưa ra những gợi ý để mọi người cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Theo Thủ tướng, thành công thường đến khi mỗi cá nhân nỗ lực vượt qua những rào cản để đạt được mục tiêu trong sự nghiệp và trong đó nhiều doanh nghiệp do nữ lãnh đạo dẫn dắt đã vượt qua các thách thức của đại dịch COVID-19 để tăng trưởng ngay trong điều kiện khó khăn nhất.
Theo Thủ tướng Jacinda Ardern, việc chăm sóc người khác là một trong những tiêu chí của người New Zealand, nhất là trong hoạt động kinh doanh, sản xuất nông nghiệp bền vững. Thông qua trao quyền lao động mạnh mẽ, tăng lương và coi trọng lực lượng lao động trong và ngoài nước, các doanh nghiệp New Zealand không chỉ cố gắng trở thành các doanh nghiệp tốt nhất trên thế giới mà còn hướng đến doanh nghiệp tốt nhất cho thế giới...
Hội nghị Phụ nữ 2022 - Women’s Summit 2022 với chủ đề “Phụ nữ thay đổi thế giới” là sự kiện do Forbes Việt Nam tổ chức thu hút trên 800 người tham dự. Hội nghị quy tụ những phụ nữ xuất sắc đang tạo ra sự thay đổi và những cá nhân lãnh đạo có tầm ảnh hưởng hàng đầu từ trong nước và khu vực nhằm chia sẻ những câu chuyện cá nhân, quan điểm và hiểu biết sâu sắc về cách phụ nữ có thể tạo nên sự thay đổi mà họ mong muốn.