Theo Thủ tướng, trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, phối hợp tốt với chính sách tài khóa, tạo thuận lợi cho các chính sách khác phát huy tác dụng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt trên 60 tỷ USD. Đây chính là bài học kinh nghiệm cần rút ra đối với điều hành chính sách tiền tệ năm 2019.
Thủ tướng đánh giá các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn hơn, năng lực quản trị điều hành được nâng cao, tiệm cận quy định quốc tế. Nhiều ngân hàng hoạt động yếu kém đã vươn lên và có lợi nhuận. Tín dụng với các lĩnh vực rủi ro cao được kiểm soát tốt hơn. Cơ cấu lại hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực, giúp “cục máu đông” nợ xấu tan dần, tác động tích cực đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, phát triển các phương thức thanh toán mới, tạo tiện ích cho khách hàng và giảm thanh toán bằng tiền mặt, giảm chi phí cho cả người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thêm việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng còn chậm so với yêu cầu, một số ngân hàng vẫn gặp khó khăn. Hoạt động kiểm soát nội bộ, thanh tra cần kịp thời hơn và phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trong năm 2019, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cũng phải có tinh thần “bứt phá” như phương châm của Chính phủ. Theo đó phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, phối hợp hiệu quả với với các chính sách khác, kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; khơi thông, thúc đẩy các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng của đất nước.
“Mục tiêu kép này rất lớn, rất nặng nề, đòi hỏi điều hành phải khoa học, bản lĩnh, trí tuệ và kịp thời’, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc sớm xử lý tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, vì đây là vấn đề cần thiết trong giai đoạn này.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) bày tỏ: "Tuy cũ nhưng Agribank vẫn muốn nhắc lại đó là vấn đề “tăng vốn điều lệ”. Để dự phòng khả năng vi phạm tỷ lệ an toàn vốn khi giải ngân cho nhu cầu sản xuất vụ Đông Xuân, tháng 12 vừa qua, Agribank đã phải huy động 4 nghìn tỷ đồng trái phiếu dài hạn để tự tăng vốn cấp hai; trong đó có đóng góp đáng kể của chính người lao động Agribank".
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng tăng vốn điều lệ là vấn đề đặc biệt cấp bách bởi đã sát ngưỡng tối thiểu, tới hạn theo quy định của pháp luật, không thể tăng trưởng tín dụng để đảm bảo an toàn và ảnh hưởng tới việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tiếp tục kiến nghị việc này.
Về phía mình, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng việc sớm xử lý tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước là vấn đề đặt ra cần thiết trong giai đoạn này; đồng thời kiến nghị Bộ Tư pháp và các bộ ngành phối hợp xử lý các tồn tại trong xử lý nợ xấu.