Ngày 19/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác của Chính phủ đã thăm và làm việc tại Hậu Giang, Tiền Giang.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành đường nối Vị Thanh(Hậu Giang) với thành phố Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN |
Sáng 19/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương đã đến dự khánh thành công trình đường nối Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ.
Dự án đường nối này có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 1A với đường dẫn cầu Cần Thơ, điểm cuối giao với quốc lộ 61 có tổng chiều dài tuyến hơn 47 km, rộng 11,5 m đi qua quận Cái Răng và huyện Phong Điền của thành phố Cần Thơ và đi qua 3 huyện, gồm: Châu Thành A, Vị Thủy và Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc xây dựng tuyến đường mới từ thành phố Cần Thơ về Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có vai trò quan trọng trong việc phát triển giao thông tiểu vùng tây sông Hậu, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới cũng như phát triến kinh tế xã hội của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2012.
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết, 4 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế-xã hội của Hậu Giang tiếp tục có những bước chuyển biến tích cực trên các mặt. Các chỉ tiêu đều vượt so với cùng kỳ và cơ bản đạt kế hoạch đề ra như: Giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 39% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 49%... Diện tích lúa đông xuân được thu hoạch xong là 77.000 ha, năng suất đạt 6,8 tấn/ha và thu mua tạm trữ đạt 100% kế hoạch. Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm cho người lao động… cũng tiếp tục đạt được những kết quả hết sức quan trọng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang cùng sự hỗ trợ của Trung ương, sau 8 năm tái lập Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư hệ thống hạ tầng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, Hậu Giang cần năng động sáng tạo để huy động các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, tiềm năng của Hậu Giang còn rất lớn trong khi tỷ lệ hộ nghèo lại cao hơn bình quân cả nước (gần 20%), do vậy tỉnh cần rà soát thế mạnh, đưa nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, gắn với đó là phát triển công nghiệp chế biến. Đây là giải pháp hữu hiệu để đưa Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý lãnh đạo Hậu Giang quan tâm làm tốt công tác cải cách hành chính để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước về tỉnh đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực…, tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Thủ tướng nêu rõ, Hậu Giang là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, cho nên tỉnh cần xây dựng một kế hoạch cụ thể cho vùng chuyên canh lúa, đưa nhanh các giống lúa chất lượng cao, đồng thời phối hợp thu mua lúa gạo cho nông dân, tránh để tình trạng “được mùa, mất giá”.
lChiều tối 19/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tiền Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và các giải pháp của tỉnh trong những tháng cuối năm.
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2012 của Tiền Giang cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhóm các giải pháp đã được Trung ương chỉ đạo về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. So với cùng kỳ, trong 4 tháng đầu năm 2012, sản lượng lúa thu hoạch của Tiền Giang tăng 3,6%; thủy sản tăng 3,8%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 1,9%; số lượt khách tới tham quan du lịch tăng 5,4%… Bên cạnh những kết quả đạt được, Tiền Giang còn một số khó khăn, tồn tại, trong đó nổi lên là dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng nông sản, nhất là giá lúa, thịt heo không ổn định; việc đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm do khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng; số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhiều…
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và ý kiến của các bộ, ngành trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang về mọi mặt trong thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh, Tiền Giang cần tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh được hưởng lợi từ thiên nhiên ưu đãi về sản xuất lương thực, cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi gia cầm… để phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo Tiền Giang tiếp tục quan tâm chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, trong đó xây dựng kế hoạch cụ thể nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện… Thủ tướng lưu ý Tiền Giang cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lương thực, cây ăn trái, thủy sản, trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, ổn định sản lượng lúa 1 triệu tấn/năm, tập trung 3 chương trình kinh tế: Kinh tế lúa gạo, kinh tế vườn, phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng các trung tâm chế biến gạo, nông sản hiện đại và tổ chức liên kết chặt chẽ hơn nhằm tận dụng lợi thế kênh Chợ Gạo cho phép vận tải nguyên liệu (lúa và các loại nông sản) khối lượng lớn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long với chi phí rẻ và tiết kiệm thời gian. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, ưu tiên nguồn vốn đầu tư kênh Chợ Gạo, bởi đây là tuyến vận tải đường thủy huyết mạch ở đồng bằng sông Cửu Long (từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ - Cà Mau) nên lưu lượng tàu thuyền qua lại rất cao, trên 1.000 lượt/ngày, dẫn đến tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng xảy ra trong nhiều năm liền, đe dọa tài sản và tính mạng người dân.
Thiện Thuật