Chiều 16/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam về kết quả thực hiện Chỉ thị số 06/2001/CT - TTg ngày 9/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 06/2001/CT - TTg, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cho biết, trong 11 năm qua, hệ thống tổ chức của hội tiếp tục được củng cố và phát triển. Hiện nay, tổ chức của hội gồm có 63 Hội Luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 408 Hội Luật gia quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, 558 chi hội cơ sở xã, phường, thị trấn và 52 chi hội trực thuộc Trung ương Hội, được thành lập ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Đội ngũ cán bộ làm công tác hội được tăng cường một bước về số lượng và chất lượng. Hiện Hội Luật gia Việt Nam có 46.000 hội viên.
Thời gian qua, hội đã chủ trì xây dựng thành công Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, đồng thời, trong 11 năm qua, ở cơ quan Trung ương Hội đã tổ chức nghiên cứu, tham gia góp ý kiến cho 118 dự án luật, pháp lệnh, nghị định; các tỉnh, thành hội đã tham gia xây dựng .457 văn bản quy phạm pháp luật, hàng nghìn quy chế dân chủ cơ sở và các quy ước, hương ước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao truyền thống tốt đẹp cũng như kết quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam thời gian qua; nhấn mạnh Hội Luật gia Việt Nam đã luôn bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chú trọng phương châm đoàn kết, đổi mới, năng động, phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Những kết quả đạt được trong hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đã góp phần tích cực vào thành tựu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Về phương hướng hoạt động của hội trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, khắc phục những hạn chế còn tồn tại; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nhằm đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác xây dựng pháp luật; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; công tác phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; cải cách hành chính; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục quan tâm tới công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính phủ sẽ làm hết mình để hỗ trợ cho Hội Luật gia Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thiện Thuật