Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, Đà Nẵng có tiềm năng trở thành cực tăng trưởng của toàn miền Trung và Tây Nguyên tương tự như vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội ở hai miền Nam và Bắc của nước ta nhưng Đà Nẵng chỉ trở thành đầu tàu tăng trưởng nếu biết tổ chức công việc và phấn đấu quyết liệt. Nếu không đầu tàu đó sẽ thuộc về các tỉnh khác.
Bày tỏ vui mừng khi số vốn đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cam kết đầu tư, thỏa thuận cho vay vốn đầu tư với tổng giá trị gần 1 tỷ USD tại Diễn đàn, Thủ tướng đánh giá đây là dấu ấn thành công của diễn đàn lần này.
Nhấn mạnh đến du lịch – mũi nhọn kinh tế của thành phố biển Đà Nẵng, Thủ tướng chỉ rõ, Đà Nẵng nằm giữa 3 di sản thế giới là Cố Đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, nếu biết kết hợp các tài nguyên du lịch này, sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng nói riêng và toàn vùng miền Trung.
Đề cập đến danh hiệu của một thành phố đáng sống, Thủ tướng mong muốn Đà Nẵng không nhất thiết sao chép hay lặp lại mô hình đô thị đâu đó mà phải tạo ra sự khác biệt để thực sự trở thành một dấu ấn đậm nét, một nơi phải trải nghiệm trên bản đồ du lịch thế giới.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra 8 điều cần làm ngay, 6 điều nên tránh trong xây dựng và phát triển Đà Nẵng. Theo Thủ tướng, trước hết phải có chiến lược đi tắt đón đầu, tăng cường sức mạnh kinh tế, tức phải tăng được quy mô của nền kinh tế, tăng thu nhập của người dân, giải quyết việc làm cho người dân. “Nền kinh tế thành phố trực thuộc trung ương mà GDP chỉ bằng 1,5% cả nước thì còn quá nhỏ”, Thủ tướng đánh giá. Cùng với đó là phải tạo vốn vật chất, tức là phải nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như cầu, đường, sân bay, cảng biển, viễn thông… nhất là giải quyết vấn đề ở phía Tây rộng lớn nhưng còn hoang sơ.
Thành phố cũng phải thúc đẩy hệ thống tài chính, tăng độ sâu của hệ thống tài chính, tăng hiệu quả phân bổ vốn và hiệu quả năng suất vốn, cả về quy mô vốn, tài chính vi mô, đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng. Đà Nẵng phải tiếp tục phát huy tính đa dạng, nét Á Đông độc đáo của yếu tố văn hóa, gìn giữ di sản, tạo ra những trải nghiệm xã hội tinh tế, sâu sắc cho người dân và du khách.
“Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng với gần 8 tỷ USD thông qua gần 1000 dự án đầu tư tại đây, do đó, vấn đề kiểm soát chất thải, nước thải đặt ra vô cùng gay gắt, chúng ta không giữ được điều này, chúng ta mất Đà Nẵng, mất thu hút du khách gần xa”, Thủ tướng lưu ý.
Lưu ý cái gốc của xúc tiến đầu tư chính là chính sách nhất quán, cơ chế hành chính thông thoáng và minh bạch, Thủ tướng mong muốn Đà Nẵng cần nỗ lực để giữ vững vị trí đứng đầu chỉ số PCI cả nước, hơn thế nữa còn cần đi từ con số đến hành động, hướng đến cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và xây dựng các tiêu chuẩn OECD.
Cho rằng, gần đây, Đà Nẵng có những bước thăng trầm, những điều không mong muốn, tại Diễn đàn, Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng sớm khắc phục các yếu kém về lãnh đạo, chỉ đạo, sớm kiện toàn bộ máy, tổ chức, nâng cao ý chí của các cơ quan liên quan, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cần tạo ra sinh khí, truyền động lực mới cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, khuyến khích các nhân tố tích cực, các nhân tố mới.
Đà Nẵng phải tích cực thúc đẩy cải cách, loại bỏ yếu kém trong đội ngũ cán bộ công chức, thay đổi sắp xếp, cấu trúc lại bộ máy, tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Những quyết sách sai, không phù hợp trước đây, cần phải sửa lại với thái độ cầu thị, lắng nghe, ý kiến của các bên có liên quan, làm theo lời dạy của Bác Hồ, việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị chính quyền thành phố dưới sự lãnh đạo của tân Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cần tập trung toàn bộ nguồn lực để Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra thành công, để lại dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh người dân thành phố Đà Nẵng nói riêng, người dân Việt Nam nói chung trong lòng các nhà chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.
Chia sẻ với các nhà đầu tư, Thủ tướng hy vọng các doanh nhân và các nhà đầu tư có mặt tại diễn đàn này sẽ chọn Đà Nẵng là nơi "đất lành chim đậu", bằng trí tuệ và tài lực của mình hợp lực cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đưa con tàu Đà Nẵng vươn ra biển lớn.
Lợi thế vượt trội Là một trong năm thành phố lớn trực thuộc trung ương, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên, Đà Nẵng có vị trí trọng yếu về kinh tế, xã hội; là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ xuất nhập khẩu chính ra Biển Đông của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các nước tiểu vùng Mê Kông.
Liên tục 8 năm liền (từ năm 2009 đến năm 2016), thành phố luôn dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index). Thành phố Đà Nẵng được cộng đồng doanh nghiệp bình chọn là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam với 7 lần dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dẫn đầu các địa phương về Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX từ năm 2013 đến 2016, và 6 năm liền thuộc nhóm các địa phương có thứ hạng cao nhất về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011 - 2016.
Trong phát biểu tại Diễn đàn, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là niềm vinh dự và tự hào của thành phố Đà Nẵng, là sự ghi nhận của lãnh đạo Chính phủ đối với sự nỗ lực và những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Tại Diễn đàn lần này, thành phố Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; y tế; du lịch, dịch vụ, thương mại; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng; công nghiệp công nghệ cao; môi trường. Trong đó các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao kêu gọi nhiều nhất với 22 dự án.
Với địa hình đa dạng gồm núi, sông và đường bờ biển trải dài trên 70 km, nói đến Đà Nẵng là nói đến một thành phố trẻ, năng động; một thành phố xanh, sạch, đẹp. Đà Nẵng đứng đầu trong "Top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất năm 2015'' theo bình chọn của trang thông tin điện tử du lịch quốc tế Tripsadvisor; được vinh danh là "Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á" của Giải thưởng du lịch Thế giới năm 2016.
Khánh thành công trình trọng điểm phục vụ tuần lễ Cấp cao APEC 2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu, doanh nghiệp tại diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2017. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Cũng trong chuỗi sự kiện trọng đại này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng cắt băng khánh thành Cung hội nghị quốc tế Ariyana, công trình trọng điểm phục vụ tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Đây là công trình do Tập đoàn Sovico và Furama Resort Đà Nẵng triển khai. Cung hội nghị quốc tế có phòng họp lớn sức chứa tới 2500 chỗ ngồi, kết nối với cung Hội nghị Furama để tạo thành 1 quần thể hội nghị, hội thảo rộng lớn hàng đầu cả nước, sẵn sàng cho các sự kiện của tuần lễ Cấp cao APEC 2017, bao gồm CEO Summit.
Dự kiến Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng khoảng 10.000 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó có lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực và quốc tế, đại diện các tổ chức quốc tế có uy tín sẽ tham dự các hoạt động trong dịp này.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị HDBank – một trong những nhà tài trợ chính của sự kiện APEC Việt Nam 2017 tại Đà Nẵng, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ sẵn sàng tham gia các chương trình đầu tư của UBND thành phố đồng thời cung cấp nguồn vốn với các điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân trên địa bàn thành phố.