Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tham dự hội nghị uy tín này có Lãnh đạo cấp cao và đại diện các bộ, ngành của nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Bangladesh, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Mông Cổ, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam. Dự hội nghị, bên cạnh các nhà lãnh đạo, còn có hơn 500 đại biểu từ các tổ chức khu vực và quốc tế, giới học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là khách mời danh dự của Hội nghị năm nay.
Hội nghị Tương lai châu Á là sự kiện được tổ chức thường niên bởi Nikkei - một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản và khu vực. Trong hai ngày 5 - 6/6, với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á”, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các xu thế, yếu tố ảnh hưởng lớn tới tương lai của châu Á như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tuý, quan hệ giữa các nước lớn và thay đổi trật tự thế giới, sự phát triển của ASEAN, Trung Quốc và khu vực Nam Á, tình hình an ninh của châu Á. Các đại biểu cũng trao đổi các biện pháp mà các nước châu Á cần thực hiện trong bối cảnh mới để duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững tại mỗi quốc gia và cả châu lục.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thực tế cho thấy toàn cầu hóa là xu thế và lịch sử cũng cho thấy toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.
Thủ tướng nêu bật vai trò động lực tăng trưởng chủ chốt của châu Á đối với quá trình toàn cầu hóa, chỉ ra những thách thức lớn mà châu Á đang phải đối mặt, và đề xuất ba nhóm giải pháp chính gồm: Duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc; Giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; và tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế.
Thủ tướng khẳng định tầm nhìn sẽ quyết định phương thức tư duy, cách thức hành động và hợp tác giữa các quốc gia sẽ giúp xây dựng một châu Á hòa bình và thịnh vượng, nơi mà ước mơ của mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay hay chưa có điều kiện phát triển đều sẽ được lắng nghe.
Nhân dịp Hội nghị, Thủ tướng đã chia sẻ những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 30 năm Đổi mới và khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ba định hướng lớn mà Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi trong giai đoạn tới là: Kiến tạo các cơ hội phát triển cho đất nước thông qua tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia vào các cấu trúc quản trị toàn cầu; Kiến tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân và khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu dựa trên năng suất lao động và năng lực sáng tạo của nền kinh tế; Cân bằng giữa chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế với quản lý hiệu quả các nguồn lực và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thực tế và đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng cũng đánh giá cao đóng góp của Nhật Bản trong những thập kỷ qua đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của nhiều nước châu Á, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và sự phát triển mới mạnh mẽ về đầu tư, thương mại, giao lưu văn hóa vì nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Ngay sau bài phát biểu mở đầu, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại về một số nội dung trong chủ đề của hội nghị, trong đó có vấn đề về vai trò của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); thách thức ô nhiễm môi trường đối với Việt Nam; vấn đề đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.