Cùng tham dự và chứng kiến sự kiện này có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Tới dự còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng chiều dài 25,2 km, bao gồm 2 dự án với tổng mức đầu tư là 13.693 tỷ đồng; trong đó, dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng có vốn đầu tư 6.416 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; dự án cầu Bạch Đằng vốn đầu tư 7.277 tỷ đồng, gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước 488 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn), nguồn vốn của nhà đầu tư 6.789 tỷ đồng.
Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án được tỉnh Quảng Ninh khẳng định là bước tiên phong trong việc đề xuất Chính phủ được tự huy động các nguồn vốn để xây dựng không hoàn toàn trông chờ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.
Tuyến đường không chỉ mang ý nghĩa là dấu ấn lịch sử, khởi đầu cho phát triển hạ tầng giao thông Quảng Ninh mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết dứt điểm bài toán khó về hạ tầng giao thông của tỉnh. Đây cũng là minh chứng cho sự mạnh dạn, tư duy đổi mới của Quảng Ninh, là cú hích quan trọng để tỉnh tiếp tục kêu gọi, huy động được nguồn lực đầu tư lớn nhằm phát triển Quảng Ninh nhanh và bền vững.
Sau khi chính thức đưa vào hoạt động, dự án sẽ góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động; hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng Duyên hải Bắc bộ; rút ngắn quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội là 180 km như hiện nay xuống còn 130 km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm được 2/3, từ 75 km xuống còn 25 km.
Dự án Đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng được đầu tư bằng nguồn ngân sách, với quy mô đầu tư xây dựng mới 19,8 km đường cao tốc theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc tiêu chuẩn TCVN 5729:2012. Điểm đầu của dự án giao với Quốc lộ 18 tại Km l02 + 300 (thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long). Điểm cuối dự án tại lý trình Km 19+800 (là điểm đầu dự án thành phần cầu Bạch Đằng, đường dẫn nút giao cuối tuyến).
Trên tuyến xây dựng 5 cầu lớn gồm: Sông Hốt, sông Bình Hương, sông Chanh, sông Rút, cầu cạn Phong Hải. Đáng chú ý, cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng hiện đại với nhiều kỷ lục được ghi nhận. Đây cũng là công trình cầu dây văng do các kỹ sư của Việt Nam thiết kế, thi công; là một biểu tượng về kỹ thuật xây dựng cầu đường của Việt Nam với thiết kế 3 trụ tháp là 3 chữ H, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa ba trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.
Công trình kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại Km 104+500. Dự án được chia làm 8 gói thầu xây lắp, trong đó phần cầu chính dây văng dài 700 m, rộng 25 m với 4 làn xe chạy và 2 dải an toàn. Kết cấu các trụ tháp hình chữ H với chiều cao 100 m. Phần cầu dẫn, cầu vượt và nút giao 2 bờ Hải Phòng, Quảng Ninh sử dụng kết cấu dầm super T và đúc hẫng trên hệ thống móc cọc bê tông cốt thép, đường kính từ 1,5 đến 2 m. Công trình đầu tư theo hình thức BOT.
Thay mặt Chính phủ, phát lệnh thông xe tuyến đường mang tính cột mốc về hạ tầng giao thông cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là sự kiện đột phá quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển hạ tầng luôn là ưu tiên quan trọng của Chính phủ trong các nhiệm kỳ để đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển kinh tế nhanh, năng động, gắn với mục tiêu bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một đột phá quan trọng của hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng vì không chỉ phát huy giá trị cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà còn thúc đẩy liên kết vùng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển 3 tỉnh Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mở thêm những không gian và cơ hội phát triển kinh tế lớn khác.
Sự kiện này còn mang tính đột phá về rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội đi Hạ Long, Hải Phòng. Điểm đột phá còn là một cây cầu made in Việt Nam - một minh chứng cụ thể về tinh thần tự lực, tự cường về khả năng làm chủ công nghệ thi công cầu đường của người Việt Nam. Công trình do Việt Nam tự đầu tư, thiết kế thi công, với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Thủ tướng cũng đánh giá cao tính đột phá “dám nghĩ, dám làm” của lãnh đạo địa phương dưới sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các thời kỳ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương liên quan. “Đó là một sự táo bạo, đột phá cần thiết, rất cần trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nói.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền, địa phương hai tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng trong giải phóng mặt bằng, triển khai thủ tục, thu xếp nguồn vốn. Thủ tướng cũng dành lời ngợi khen các đơn vị thiết kế, thi công và đội ngũ những cán bộ, kỹ sư đã làm việc ngày đêm, xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, mỹ thuật theo đúng yêu cầu đề ra.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chân thành cảm ơn các hộ gia đình trong diện di dời đã dành mặt bằng cho công trình; yêu cầu chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào ổn định đời sống. T
hủ tướng đề nghị chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nốt các phần việc còn lại để tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng phát huy giá trị một cao tốc đồng bộ, hiện đại an toàn và hiệu quả. “Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của chúng ta là phải làm sao cho sự đầu tư này thực sự có hiệu quả”, “chắp cánh cho kinh tế và du lịch Quảng Ninh - Hải Phòng trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau lễ khánh thành, thông xe vào sáng 1/9, bắt đầu từ 13 giờ cùng ngày, các phương tiện giao thông được phép lưu thông trên cao tốc theo quy định tại khoản 4, Điều 26, Luật Giao thông đường bộ với vận tốc cho phép tối đa hiện tại là 80 km/giờ (vận tốc thiết kế 100 km/giờ). Việc hạn chế tốc độ là để người dân làm quen với tuyến đường mới, đảm bảo an toàn giao thôn trong quá trình lưu thông.