Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác đối ngoại lần này có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng.
Tham gia đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ; Bí thư tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng.
Theo đặc phái viên TTXVN, vào khoảng 19h50 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Nay Pyi Taw, thủ đô Nay Pyi Taw, bắt đầu các hoạt động trong chương trình thăm chính thức CHLB Myanmar từ ngày 16–18/12/2019.
Đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn tại sân bay có Bộ trưởng Bộ Giáo dục Myo Thein Gyi; Thủ hiến Nay Pyi Taw Myo Aung; Đại sứ Myanmar tại Việt Nam. Đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương cùng đông đảo đại diện cộng đồng người Việt tại Myanmar.
Thành phố Nay Pyi Taw được hiểu là "Thành phố hoàng gia" hay "Nơi ở của các vị vua". Nay Pyi Taw là thủ đô hành chính, nằm ngay trung tâm đất nước Myanmar, khác với Yangon nằm chếch xuống phía Nam. Nay Pyi Taw sở hữu hệ thống hạ tầng rộng lớn với các tuyến đường cao tốc 20 làn, cùng sân bay Nay Pyi Taw có diện tích lên đến 63.000 m2.
Theo chương trình, dự kiến, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội kiến Tổng thống Myanmar U Win Myint; hội đàm với Cố vấn Nhà nước Myanmar Daw Aung San Suu Kyi; gặp gỡ các nhà lãnh đạo Quốc hội và một số địa phương tại Myanmar. Đặc biệt, dự kiến, trong chuyến thăm chính thức lần này, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ ký Chương trình Hành động hợp tác hai nước giai đoạn 2019-2024. Đây là một văn kiện quan trọng vì nó định hướng sự phát triển của quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện giữa hai nước với tầm nhìn dài hạn và ngày càng sâu sắc, bền chặt.
Kể từ khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện, quan hệ hai nước Việt Nam - Myanmar ngày càng phát triển mạnh mẽ trên tất cả các mặt, đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước. Cùng với quan hệ chính trị ngày càng được mở rộng đến tất cả các cấp, các bộ ngành, lòng tin giữa Chính phủ và nhân dân hai nước ngày càng được tăng cường. Chỉ tính trong ba năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar kinh doanh và đầu tư đã tăng gấp đôi (từ khoảng 100 doanh nghiệp năm 2016, nay đã đạt đến con số trên 200 doanh nghiệp hiện diện).
Chuyến thăm của Thủ tướng nhằm khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện với Myanmar. Việt Nam đã và vẫn tiếp tục thể hiện là một đối tác tin cậy, chia sẻ sâu sắc với Chính phủ và nhân dân Myanmar; sẵn sàng hợp tác với Myanmar trên mọi lĩnh vực, qua đó tăng cường sự tin cậy, lòng tin, đưa quan hệ đối tác giữa hai nước ngày càng bền chặt và có hiệu quả.