Nhận diện 3 thế mạnh
Báo cáo của tỉnh Cà Mau và các ý kiến tại cuộc làm việc đánh giá thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tỉnh thực hiện hoàn thành 18/19 chỉ tiêu Nghị quyết, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt (chi ngân sách Nhà nước đạt 98,2%). Sản xuất, kinh doanh phục hồi, có chuyển biến tích cực, GRDP 2023 ước tăng 7,83%, vượt kế hoạch đề ra (7%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,8 triệu đồng, tăng 13% so cùng kỳ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Cà Mau. Trong thành tích chung của cả nước, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự đóng góp của Cà Mau.
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Cà Mau cần nhận diện 3 thế mạnh của tỉnh về nông nghiệp, du lịch và năng lượng tái tạo. Từ đó có tư duy, giải pháp khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để phát triển nhanh và bền vững.
Trong đó, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm. Về năng lượng, tỉnh tiếp tục phát triển cụm dự án Khí - điện - đạm Cà Mau. Bên cạnh đó, tỉnh khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo. Cà Mau cần khai thác thương hiệu "đất mũi", cực Nam của Tổ quốc, phát triển du lịch.
Nhắc lại câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau" - cho thấy tình cảm của cả nước với Cà Mau và cũng khẳng định thương hiệu của Cà Mau, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Cà Mau - nơi chịu sóng, chịu gió, tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Cà Mau cần tập trung thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, đường biển. Cụ thể là nâng cấp sân bay Cà Mau, xây dựng các tuyến đường cao tốc và phát triển đường thủy nội địa, đường biển (cảng Hòn Khoai).
"Phải làm bằng được tuyến cao tốc Bắc - Nam, trong đó có đoạn qua Cà Mau, trong nhiệm kỳ này, không lùi tiến độ. Và dứt khoát tháng 5/2025 phải hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo sân bay Cà Mau", Thủ tướng yêu cầu. Đồng thời, chuẩn bị dự án cao tốc thành phố Cà Mau - Đất Mũi theo hướng ngắn nhất, thẳng nhất có thể và cân nhắc việc nâng cấp phù hợp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Cà Mau... Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc, đề nghị Cà Mau chủ động chuẩn bị xây dựng dự án cảng Hòn Khoai. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các công việc cần thiết để mở rộng cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau.
Cùng với đó, Cà Mau chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... Thủ tướng yêu cầu tỉnh nghiên cứu, xây dựng đề án, dự án cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở trên cơ sở những mô hình, cách làm tốt đã được tỉnh triển khai thời gian qua; vận động và hỗ trợ người dân xây nhà "3 cứng"...
Về đề xuất hỗ trợ tỉnh Cà Mau quy hoạch, đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động trung tâm đầu mối thủy sản vùng bán đảo Cà Mau, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, triển khai chung cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Quy hoạch được phê duyệt, Cảng hàng không Cà Mau hiện cấp 3C, sẽ được nâng cấp lên quy mô cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm trong giai đoạn đến năm 2030.
Theo tỉnh Cà Mau, việc đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau là rất cần thiết, giúp rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Cà Mau với các vùng miền trong nước, đây là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo đột phá cho địa phương có thêm điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm năng phát triển của Cảng hàng không Cà Mau đã được minh chứng khi đường bay Hà Nội - Cà Mau - Hà Nội được người dân cả nước hết sức quan tâm, các chuyến bay luôn có hệ số ghế cao trên 90%, trong đó nhiều chuyến bay đạt 100% số ghế được phép khai thác.
Do đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nghiên cứu, sớm nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, đảm bảo tiếp nhận được các loại máy bay như Airbus A320/A321 và tương đương; trước mắt, cho phép triển khai bước chuẩn bị dự án để xem xét triển khai thực hiện đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Phát triển các dự án trọng tâm
Trưa 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát việc nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Cà Mau, tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Cà Mau và cụm dự án Khí - điện - đạm Cà Mau.
Khảo sát việc nâng cấp, cải tạo đường băng Cảng hàng không Cà Mau do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai, Thủ tướng chỉ đạo chậm nhất trong quý I/2024, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành các công việc liên quan điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng; ACV chủ trì thu xếp nguồn vốn cho dự án. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc nâng cấp, xây dựng đường băng này trong 18 tháng; nếu cần có thể nghiên cứu hình thức chỉ định thầu trên tinh thần bảo đảm đúng các quy định. Phần cải tạo nhà ga hành khách sẽ triển khai xây dựng khi lượng hành khách đông hơn.
Sau đó, Thủ tướng đi thăm, khảo sát cụm dự án Khí - điện - đạm Cà Mau. Đây là công trình trọng điểm của quốc gia, một trong những dự án đầu tư lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) làm chủ đầu tư, tạo thành một khu công nghiệp phức hợp lớn và hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, làm thay đổi diện mạo của một khu vực của tỉnh Cà Mau đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo báo cáo, với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD, đến nay cụm dự án đạt doanh thu khoảng 10 tỷ USD và đóng góp vào khoảng 40% thu ngân sách của tỉnh Cà Mau. Trong đó, riêng Nhà máy Đạm Cà Mau vừa cán mốc sản xuất 10 triệu tấn urê, doanh thu lũy kế đến nay hơn 100.000 tỷ đồng. Thủ tướng biểu dương những kết quả đạt được trong những năm qua và đề nghị tiếp tục mở rộng đầu tư, hoạt động của cụm dự án trên cả 3 lĩnh vực, gồm khí, điện, đạm.
Tiếp đó, Thủ tướng đi khảo sát, động viên cán bộ, công nhân đang thi công dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo báo cáo, các dự án cao tốc từ Cần Thơ xuống Cà Mau hiện đã thi công khoảng 15%, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, toàn tuyến còn khoảng 80 hộ dân tại 5 tỉnh. Nguồn vật liệu đắp nền cũng cơ bản được bảo đảm.