Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Bộ NN&PTNT ở Hà Nội kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nông nghiệp chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của nền kinh tế
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành NN&PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Năm 2022 giá trị toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng 3,36%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Năm 2023 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, với phương châm “đẩy mạnh đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp”, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 tỷ USD; 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; 57% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn; 80% số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn...; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cho hàng nông sản Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo, trong đó khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động thị trường, dịch chuyển xu hướng tiêu dùng... ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ. Cả nước hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế tăng trưởng cao...
Trong thành công chung đó của đất nước, có sự đóng góp hiệu quả, quan trọng của ngành nông nghiệp, của cán bộ, công chức, người lao động ngành nông nghiệp, bà con nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
“Tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,36%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%. Đặc biệt nông nghiệp khẳng định là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, trong năm qua, ngành NN&PTNT chú trọng công tác điều hành, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực NN& PTNT; thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; thúc đấy cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển, mở cửa thị trường gắn với sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị gia tăng; tăng cường triển khai thương mại điện tử; tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ...
Bên cạnh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tựu mà toàn ngành NN&PTNT đã đạt được trong năm qua; phân tích nguyên nhân, bài học của thành công, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế mà toàn ngành NN&PTNT cần khắc phục như việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản của Việt Nam chưa đạt kết quả mong muốn; một số cơ chế, chính sách chưa được bổ sung, chỉnh sửa, tháo gỡ kịp thời; cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa phổ biến; năng suất lao động, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp chưa cao; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm vẫn còn khoảng cách chênh lệch giữa một số vùng...
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta và ngành NN&PTNT nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song “núi cao cũng có đường trèo; đường có hiểm nghèo cũng có lối đi”. Thủ tướng đề nghị toàn ngành NN&PTNT phấn đấu đạt mức tăng trưởng 3,5%, xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, cao hơn mức tăng trưởng của năm 2022...
Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao trong năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025; thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp mà ngành NN&PTNT và các bộ, ngành, địa phương đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm cho toàn ngành NN&PTNT.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ NN&PTNT và toàn ngành NN&PTNT quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
“Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; lấy nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực và nông thôn là nền tảng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ quán triệt quan điểm phát triển NN&PTNT bao gồm: thúc đẩy xây dựng thương hiệu; hoàn thiện các quy hoạch; ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển văn hóa, du lịch; đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là sản xuất, xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, có hiệu quả.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành quốc gia; có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.
Thủ tướng chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành NN&PTNT nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất.
Toàn ngành NN&PTNT cần đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp...
Tăng cường kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý ngành NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới. Đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “Thẻ vàng” trong năm 2023, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.
“Để thực hiện được các nhiệm vụ, cán bộ có vai trò hết sức quan trọng. Do đó, Bộ NN&PTNT và các địa phương phải cường công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp, nhất là cán bộ cơ sở, người làm việc trực tiếp”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các địa phương, sự ủng hộ của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, ngành nông nghiệp năm 2023 và thời gian tới sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, đạt nhiều thành tích hơn so với năm 2022.