Khu công nghệ cao Brainport, thành phố Eindhoven (Brainport Eindhoven) được thành lập từ những năm 1990 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Brainport Eindhoven nổi tiếng nhờ mô hình tổ chức tạo ra hệ sinh thái công nghệ cao và mô hình hợp tác Triple Helix gồm 3 bên là nhà nước, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp.
Brainport Eindhoven gồm 5 khu: Khu khoa học, tập trung các trường, viện nghiên cứu để khuyến khích nghiên cứu và đổi mới; Khu công nghệ cao, tập trung các công ty giải pháp khoa học công nghệ cao và khởi nghiệp; Khu sáng tạo, tập trung các giải pháp thiết kế táo bạo, đổi mới và tự do nhất; Khu sản xuất, đưa các ý tưởng công nghệ vào sản xuất; Khu tự động hóa, nuôi dưỡng các giải pháp tự động hóa cho tương lai.
Công nghệ cao là khu vực nổi tiếng nhất tại Brainport Eindhoven, nơi ra đời khoảng 40% các giải pháp thông minh mới của Hà Lan, quy tụ 230 công ty và 12.000 chuyên gia về mảng nghiên cứu phát triển đến từ hơn 100 quốc gia. Trung tâm sở hữu 45.000m² bao gồm phòng nghiên cứu, thử nghiệm, thiết bị công nghệ cao phục vụ cho nghiên cứu và các tiện ích khác.
Tại Brainport Eindhoven, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Brabant, lãnh đạo Brainport Eindhoven và các tập đoàn kinh tế lớn tại đây.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc tỉnh Bắc Brabant Martijn van Gruijthuijsen nhiệt liệt chào mừng và bày tỏ vinh dự đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm tỉnh Bắc Brabant. Ông Martijn van Gruijthuijsen cho biết tháng trước, Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher đã dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong chuyến công tác đó, Hà Lan nhất trí hợp tác với Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nông nghiệp bền vững, logistics và năng lượng tái tạo. Những nội dung đó, đều có thể được tìm thấy tại tỉnh Bắc Brabant và tại Brainport Industries Campus này...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng xu thế phát triển của thế giới hiện nay là phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; phát triển nhờ vào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, khoa học công nghệ; phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức, kinh tế xanh; những thách thức toàn cầu mới nổi khiến mỗi quốc gia, mọi người dân phải đối diện, không thể đứng ngoài cuộc... Đây đều là những vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để giải quyết; đây cũng là vấn đề tác động tới toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19; cạnh tranh chiến lược; rủi ro vũ trang; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát; khủng hoảng lương thực, năng lượng, thông tin... nổi lên, đòi hỏi phải cùng nhau giải quyết. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không chọn bên mà chọn công bằng, công lý, vì lợi ích của toàn dân, hòa bình, ổn định, phát triển trên toàn thế giới.
Gần 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hà Lan đang phát triển rất tốt đẹp trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có một số mô hình hợp tác có hiệu quả cao như hợp tác trong chống biến đổi khí hậu; hợp tác giữa tỉnh Bình Dương với thành phố Eindhoven (Hà Lan), tập đoàn Becamex và Brainport trong việc xây dựng và phát triển mô hình thành phố thông minh; giữa tỉnh Bắc Brabant (Hà Lan) với tỉnh An Giang (Việt Nam)...
Về quan hệ hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết hiện Hà Lan có 3 mô hình hay mà Việt Nam cần được Hà Lan trao truyền kinh nghiệm đó là mô hình Airport (hàng không); mô hình Seaport (cảng biển, hàng hải) và mô hình Brainport (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo). Hà Lan từ một nước nông nghiệp, trở thành một nước công nghiệp phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo, dịch vụ thông minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan giúp Việt Nam xây dựng một Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở Hà Nội như mô hình Brainport Industries Campus ở thành phố Eindhoven của Hà Lan. Theo đó, Hà Lan hỗ trợ, giúp Việt Nam xây dựng mô hình này với những bước đi, công việc hết sức cụ thể để có hiệu quả qua từng năm tháng; hỗ trợ Việt Nam xây dựng quy hoạch, cơ chế chính sách hoạt động phù hợp với nguồn lực, điều kiện của Việt Nam; xây dựng các nội dung cụ thể phối hợp hoạt động giữa Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp; tư vấn về huy động nguồn lực để phát triển Trung tâm đổi mới, sáng tạo, trong đó có huy động nguồn lực, sự giúp đỡ từ Hà Lan và các nước châu Âu; giúp Việt Nam trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho vận hành hiệu quả Trung tâm đổi mới, sáng tạo của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ hy vọng, sau chuyến thăm của ông tới Hà Lan, quan hệ Việt Nam – Hà Lan sẽ nâng lên tầm cao mới; trong đó mối quan hệ giữa các địa phương; bộ ngành; giữa Brainport Industries Campus của Hà Lan với Việt Nam... cũng sẽ có bước tiến mới, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Hà Lan. Thủ tướng nhấn mạnh: "Muốn đi xa phải đi cùng nhau; đã nói là phải làm”.
Cũng tại Brainport Eindhoven, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với một số lãnh đạo các doanh nghiệp Hà Lan về đổi mới sáng tạo và sản xuất công nghệ cao.
Sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Brabant, lãnh đạo Brainport Eindhoven và các tập đoàn kinh tế lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm các khu: nghiên cứu, công nghệ cao, sáng tạo, sản xuất, tự động hóa... thuộc Khu công nghệ cao Brainport.