Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các dự án giao thông quan trọng, dự án giao thông trọng điểm.
Dự phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Lê Văn Thành; các thành viên Ban Chỉ đạo là bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Dự tại điểm cầu các địa phương có các bí thư, chủ tịch UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố; đơn vị tư vấn, nhà thầu...
Theo Bộ Giao thông vận tải, sau khi bổ sung, hiện nay tổng số các công trình, dự án thuộc Ban Chỉ đạo là 70 dự án, dự án thành phần tại 40 tỉnh, thành phố, gồm 63 dự án đường bộ, 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không.
Tại Phiên họp, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, nhà thầu báo cáo rà soát, tiến độ thực hiện các công trình công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải; tình hình giải ngân.
Theo đó, sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách, nhất là cải cách thủ tục hành chính, các công trình, dự án cơ bản được triển khai tích cực. Tuy nhiên tiến độ thực hiện các dự án vẫn còn chậm so với yêu cầu.
Các bộ, ngành cũng nêu một số nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một phần do khối lượng công việc cần triển khai rất lớn; một số dự án cao tốc phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản có sử dụng nguồn vốn phục hồi kinh tế, nguồn vốn trung hạn, nguồn vốn vượt thu… đang chờ phân bổ; thời tiết tại một số khu vực có diễn biến bất thường, thời gian qua nguồn cung xăng, dầu tại một số thời điểm hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Bên cạnh đó, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tuy nhiên các địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục đối với các mỏ đất khai thác mới, bãi đổ thải phục vụ thi công; chưa giải quyết dứt điểm nguồn cung cấp cát đắp các dự án trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; một số dự án sử dụng vốn nước ngoài thủ tục triển khai phải tuân thủ đồng thời các thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam nên việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng phức tạp và kéo dài...
Đặc biệt, theo lãnh đạo các địa phương, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; xác định giá đất, giá bồi thường cây trồng; lập phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng khu tái định cư… làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Trong quá trình các đại biểu phát biểu ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tỏ rõ sự không hài lòng với một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương về tình hình triển khai các dự án, cũng như cách giải thích cho sự chậm trễ trong việc triển khai các công trình và cách phối hợp xử lý những vướng mắc nảy sinh của các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông. Do đó, chúng ta phải có đổi mới tư duy, cách xử lý, tiếp cận vấn đề. “Mỗi người phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức thực hiện, cách ứng xử với công việc, ứng xử với nhau; đã nói, đã hứa phải làm, phải thực hiện hiệu quả. Phải tôn trọng kỷ luật, kỷ cương”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ theo dõi, nếu họp mà vẫn trì trệ, bất kể ai trong Ban Chỉ đạo vắng họp 3 lần liên tiếp (trừ những lý do bất khả kháng) thì loại khỏi Ban Chỉ đạo. “Đây là kỷ luật, kỷ cương hành chính; việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong họp Ban Chỉ đạo là hết sức quan trọng, cần siết chặt lại”, Thủ tướng cương quyết.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, trong lúc khó khăn này, việc đẩy mạnh đầu tư công, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, bởi có đầu tư công để tạo việc làm, tạo sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập cho người dân; góp phần vào tăng trưởng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp lãnh đạo phải suy nghĩ vấn đề khi mà người dân, doanh nghiệp đang hết sức cần có việc làm, có tăng trưởng.
Thủ tướng chỉ rõ: “Chúng ta phải làm vì dân, vì nước, không phải vì cá nhân nào cả. Các đồng chí còn là đảng viên, cán bộ thì phải cùng suy nghĩ để cùng làm trong lúc khó khăn, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, tăng trưởng cho đất nước, không lãng phí nguồn lực”.
Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh, nghiêm túc trong việc này. Ai không làm được thì phải thay thế. Đảng đã xác định việc này quan trọng, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về vấn đề này. Phải thống nhất nhận thức để làm. Phải rà soát lại các thủ tục đầu tư nhanh; thẩm quyền của ai thì người đó làm, không chờ đợi. Các bộ, ngành, địa phương gửi văn bản chính thức nêu rõ vướng cái gì, ở đâu, không nói chung chung.
Trong đó, các bộ, ngành phải rà soát lại các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nếu có vốn rồi phải làm cho nhanh, phải đầu tư công sức, “đắm đuối” với nó, phải lăn lộn, trách nhiệm thì mới làm được. Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, các tỉnh phải nghiên cứu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đây là việc khó nhưng không có nghĩa khó là không làm được.
Về đấu thầu, đấu giá, Thủ tướng yêu cầu phải hết sức trách nhiệm, đúng quy định, đúng tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực; không để xảy ra tiêu cực, vi phạm, “thông thầu” dẫn đến phải xử lý pháp luật. Đối với công tác tổ chức thực hiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nêu cáo tinh thần trách nhiệm, đề cao lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của đảng viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ hằng tháng.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành phải ngồi lại với nhau, tìm ngay giải pháp, xử lý ngay vấn đề; các vấn đề cần phải điều chỉnh thì phải làm nhanh, đúng quy trình, thủ tục; cấc bộ ngành không lòng vòng, giảm bớt giấy tờ.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo không khởi công các công trình mới trừ trường hợp đặc biệt liên quan an ninh quốc gia, chống biến đổi khí hậu; phải rà soát từ Trung ương đến địa phương, không nể nang, phải làm việc nào dứt việc đó.
Đối với các vấn đề liên quan nguyên vật liệu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh; vượt thẩm quyền phải báo cáo, quá ngày theo quy định mà không có trả lời thì tiếp tục báo cáo vượt cấp.
Về dự án đường cao tốc phía đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 4 dự án thành phần mà chưa hoàn thành, Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương phải thấy được trách nhiệm của mình. Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải bằng mọi cách hoàn thành, không lùi tiến độ các dự án này. Các ban quản lý không hoàn thành thì phải thay người.
Đối với dự án Cao tốc phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, theo Thủ tướng, so Nghị quyết của Chính phủ thì các gói thầu này phải khởi công cuối năm 2022 như vậy đến nay chưa đạt tiến độ; phải phấn đấu khởi công các gói này trước ngày 31/12/2022. Mặt khác, Bộ giao thông vận tải phân ra thành 21 gói thầu, mỗi gói thầu có 29 km, như vậy số gói thầu vẫn nhiều, nguy cơ tiêu cực. Do đó phải chấn chỉnh lại việc này căn cứ thực tế. “Kinh nghiệm cho thấy cần có tổng thầu để rõ trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát lại để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vấn đề kiểm toán các dự án này; xem xét việc thực hiện chỉ định thầu hay đấu thầu quốc tế. Trong đó, đối với gói thầu xây dựng nhà ga chính Cảng hàng không quốc tế Long Thành trị giá tới 40 nghìn tỷ đồng, cần kiểm tra lại nhà thầu trong nước có bảo đảm năng lực hay không; tổ chức thực hiện đúng quy định ngay từ đầu, bảo đảm công khai, minh bạch.
Về dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, trong tháng 11/2022, Bộ Quốc phòng, Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn thành bàn giao mặt bằng. Nếu không thực hiện đúng tiến độ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân. Về dự án cao tốc Hoà Bình - Sơn La, Tuyên Quang - Hà Giang…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát lại, xác định những vấn đề còn vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xử lý ngay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các vấn đề về vốn; cấp ngay vốn cho các đơn vị; Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính nghiên cứu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng để có điều kiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp; Bộ Tài chính rà soát lại các dự án sử dụng vốn ODA... Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần trách nhiệm phải phối hợp chặt chẽ; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo.