Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc và dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân

Chiều 26/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới thủ đô Xơun, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Hàn Quốc theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phu nhân và Đoàn Cấp cao Chính phủ ta tại sân bay quân sự Xơun. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Trong buổi chiều cùng ngày, Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc đã đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng hơn 50 vị nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các quốc gia dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2.

Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc

Chiều 26/3, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân đã chính thức khai mạc tại thủ đô Xơun (Hàn Quốc) với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ hơn 50 nước, cùng đại diện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc và Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế
(Interpol).

Các nhà tổ chức cho biết, nội dung trọng tâm được thảo luận tại hội nghị là việc bảo vệ các vật liệu và cơ sở hạt nhân, ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân.

Hội nghị kéo dài hai ngày này là sự tiếp nối của Hội nghị Thượng đỉnh tại Oasinhtơn năm 2010, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác định mục tiêu đảm bảo kiểm soát các vật liệu hạt nhân vào năm 2014. Trong một tuyên bố, các nhà tổ chức hội nghị nhận định thế giới đã đạt được "tiến bộ đáng kể" kể từ hội nghị ở Oasinhtơn đến nay, thể hiện qua "sự nhất trí về mối nguy hiểm của nguy cơ khủng bố hạt nhân".

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân 2012 khai mạc tại thủ đô Xơun (Hàn Quốc) chiều 26/3. Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo kế hoạch, hôm nay, các đại biểu sẽ tham dự các cuộc họp toàn thể và Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung-bak sẽ tổ chức họp báo để nêu rõ những vấn đề quan trọng của Hội nghị.

Bên lề hội nghị chiều 26/3, lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ đã thảo luận kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có cuộc hội đàm riêng để thảo luận về quan hệ song phương và những vấn đề hai nước cùng quan tâm. Ông Kim Tae Hyo, cố vấn an ninh của Tổng thống Lee Myung-bak cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên, tập trung vào kế hoạch của Triều Tiên phóng vệ tinh ứng dụng Kwangmyongsong-3 bằng tên lửa đẩy Unha-3 trong tháng 4 tới.

Cũng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong năm nay. Các nguồn tin từ Xơun cho biết tại cuộc hội đàm, Tổng thống Obama nêu rõ Mỹ và Trung Quốc có chung mối quan tâm giải quyết bế tắc về hạt nhân với Iran và Triều Tiên.

Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hàn Quốc

Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai nhằm khẳng định chính sách nhất quán về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, quảng bá các nỗ lực, biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện sau Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân; qua đó tạo sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của các nước.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle và Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Uri Rosenthal. Tại cuộc gặp Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Pháp phát triển tốt đẹp, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Fillon nhất trí hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp cao trong năm 2012 - 2013 và tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2013. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, hàng không vũ trụ, hạ tầng giao thông, giáo dục - đào tạo…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn chính phủ Pháp đã tài trợ 100 triệu euro xây dựng và đưa vào hoạt động trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội, coi đây là biểu tượng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Thủ tướng Fillon thông báo phía Pháp sẽ tăng học bổng thạc sỹ và tiến sỹ, tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy cho trường Đại học này. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ ý định của Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ năm 2014; Thủ tướng Fillon khẳng định Pháp ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị, sẵn sàng hỗ trợ cho công tác tổ chức và nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước thảo luận cụ thể về vấn đề này.

Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia buồn về việc Đại sứ Đức tại Hà Nội Claus Wunderlich đột ngột qua đời, đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Đại sứ trong việc thúc đẩy xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Westerwelle nhất trí hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các dự án và thỏa thuận nêu trong Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức và Kế hoạch hành động chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ Đức duy trì cung cấp ODA cho Việt Nam; đánh giá cao hiệu quả các dự án do Đức tài trợ cho Việt Nam trong các lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững, y tế; đề nghị chính phủ và Bộ Ngoại giao Đức tiếp tục ủng hộ ưu tiên ODA cho Việt Nam trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Westerwelle đánh giá cao hiệu quả của dự án Đại học Việt - Đức và thảo luận về khả năng đồng tài trợ cho Đại học Việt -Đức của hai Chính phủ.

Tại cuộc trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Uri Rosenthal, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng cùng bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục, đặc biệt là ưu tiên hợp tác hàng đầu trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước mà Hà Lan là đối tác chiến lược của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kinh nghiệm của Hà Lan trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Ngoại giao Rosenthal khẳng định cam kết của chính phủ Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực về luật quốc tế, đặc biệt là luật biển và sẽ sớm khởi động quá trình tuyển chọn ứng cử viên Việt Nam sang Hà Lan học tập, nghiên cứu về luật biển.

Thiện Thuật - TTG - L.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN