Cùng đi có: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.
* Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 ở xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - nơi vào ngày 27/7/1947 diễn ra cuộc mít tinh trọng thể gồm 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ; đồng thời cũng là nơi tụ linh các Anh hùng liệt sĩ toàn quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới và các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; nguyện luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; cầu mong Chủ tịch Hồ Chí Minh và hương linh các Anh hùng liệt sỹ phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an.
* Tại đây, tặng quà và trò chuyện với người có công và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào cả nước trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống tốt đẹp, quý báu, được hun đúc, vun đắp bởi biết bao thế hệ người dân Việt Nam trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc.
Thủ tướng cho biết, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc chiến tranh cam go, khốc liệt để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những năm tháng gian khổ ấy, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lớp lớp thanh niên đã xung phong ra chiến trường, để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ nơi hậu phương. Nhiều người đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa vào sông núi. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Theo Thủ tướng, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất; nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau, biết bao vết thương vẫn ngày đêm đau nhức. Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện về cả vật chất và tinh thần. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội” ngày càng phát triển. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả…
Thủ tướng biểu dương tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đã có nhiều cố gắng đảm bảo các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; đặc biệt xúc động khi biết nhiều bác, anh chị cựu chiến binh, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã nỗ lực vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, gương mẫu đi đầu trong công tác, lao động, học tập; năng động, sáng tạo, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các bác, các anh chị không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu, mà còn là những chiến sĩ tiên phong trong học tập, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thật sự là những tấm gương sáng để các thế hệ trẻ tự hào, học tập và noi theo.
Cũng theo Thủ tướng, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao nhất, nhưng đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong đó, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không có người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi; tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi phù hợp; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.
Thủ tướng mong muốn các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng cả nước và huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người “Bộ đội Cụ Hồ”, mãi mãi là những tấm gương sáng, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn; đề nghị tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Đại Từ nói riêng tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hơn nữa đời sống của người có công trên địa bàn.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị, kêu gọi mỗi tổ chức, cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đây là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác tới dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và thăm Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, tại thành phố Thái Nguyên - Nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ Thanh niên xung phong đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vào đêm Noel 24/12/1972.
Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với các chị, các anh, những người con kiên cường bất khuất, đã không tiếc máu xương hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã tham quan gian trưng bày, giới thiệu về “Ngọn lửa đại đội 915” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và là bản anh hùng ca vang mãi cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tháng 12/1972, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trải qua những ngày oanh liệt. Trước tình thế cấp bách để giải tỏa gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng được viện trợ còn tồn đọng ở trung tâm thành phố Thái Nguyên tránh bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy, các thanh niên xung phong Đại đội 915 không ngại khó khăn, gian khổ đều xung phong đi làm nhiệm vụ.
Ngày 24/12/1972, máy bay Mỹ ném bom, cướp đi sinh mạng của 60 cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. Sự hy sinh của các anh, các chị đã tô thắm truyền thống Thanh niên xung phong Việt Nam, với tinh thần “sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”; trở thành khúc tráng ca bất tử, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bản hùng ca bất khuất của dân tộc Việt Nam.