Nhân dịp này, cán bộ các thế hệ của ngành kế hoạch và đầu tư vinh dự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư và hoa chúc mừng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Với những đóng góp suốt 75 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xứng đáng với vai trò thuyền trưởng dẫn dắt con tàu kinh tế ra khơi. Nêu các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu như thế nào để thế chế pháp luật, chính sách trở thành đột phá khẩu cho các đột phá khác của Việt Nam hiện nay cũng như các năm tới.
Thủ tướng Chính phủ nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 8 năm khi về thăm và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng tham mưu, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Thủ tướng cho biết, trong nhiều kỳ đại hội Đảng toàn quốc, kể cả Đại hội lần thứ XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tiểu ban Kinh tế Xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng trong những thành tựu toàn diện của đất nước trong gần 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành kế hoạch và đầu tư, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp của Đảng, Nhà nước.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 3 chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội của đất nước kể từ năm 1991 đến nay, còn hiện tại đang xây dựng chiến lược giai đoạn 2021-2030 trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng 10 kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đây là kim chỉ nam, định hướng phát triển, cụ thể hóa đường lối của Đảng về sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo bước tiến quan trọng trong thời kỳ đổi mới.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nghiêm túc tham mưu, đề xuất với tư duy đổi mới, đột phá các thể chế kinh tế phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước, từ thực hiện Khoán 100, Khoán 10 trước đây và trong thời kỳ đổi mới đã xây dựng rất nhiều Luật quan trọng như Luật Công ty, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... nhằm khơi thông, huy động nguồn lực xã hội phục vụ phát triển đất nước, đồng thời giúp thay đổi căn bản về tư duy quản lý, thúc đẩy phát triển tư duy thị trường hiện đại và hội nhập.
Thủ tướng nêu hai ví dụ của ngành kế hoạch - đầu tư thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, đã tham mưu đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ chính xác, kịp thời, đồng bộ các biện pháp giúp đất nước vượt qua khó khăn, thử thách. Chẳng hạn như năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngay từ sớm và xuyên suốt cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn chủ động theo dõi, cập nhật sát tình hình, đưa ra những đánh giá, dự báo về ảnh hưởng của đại dịch để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, ban hành những định hướng, giải pháp chính xác, kịp thời, nhằm hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống của người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền nhiều văn bản mang tính căn cơ như Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi phát triển kinh tế đất nước trình Bộ Chính trị; chủ trì xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội triển khai Kết luận số 77 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi, phát triển nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 9 thách thức chủ yếu đối với sự phát triển đất nước trong thời gian tới, trong đó có những vấn đề như bối cảnh thế giới tiếp tục bất định, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta phải đối đầu; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu, nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại hoặc bị lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu; thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông; nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước biến động kinh tế; vấn đề già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng, tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội nước nhà…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải nhận diện những thách thức này để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước năm 2025, 2030 và đặc biệt là phải có tầm nhìn đến năm 2045 với việc định vị rõ chức năng, vai trò. Bộ phải có tầm nhìn xa hơn các bộ, ngành khác, đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo sang các bộ, ngành khác và các địa phương trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Theo đó, ngay định hướng thứ nhất là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Bộ nào sẽ tiên phong cho Đảng, Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thành công định hướng này nếu không phải là Bộ Kế hoạch và Đầu tư? Đó chắc chắn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với tư cách là "bộ tổng tham mưu”, tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hiến kế để đạt được sự bứt phá các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2021 cũng như những giai đoạn tiếp theo gắn với những mục tiêu và tầm nhìn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây phải đặt ra".
Thủ tướng cũng đặc biệt nêu vai trò quan trọng và sát sườn của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở 63 tỉnh, thành phố cả nước trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nêu một số nhiệm vụ cụ thể với ngành: "Chúng ta từng nói thể chế, thể chế và thể chế là yếu tố quyết định với sự tăng trưởng đột phá của đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu như thế nào để thế chế pháp luật, chính sách trở thành đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam hiện nay cũng như các năm tới.
Thứ hai, làm sao để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hơn nữa của kinh tế đất nước; làm sao biến tài nguyên đổi mới sáng tạo trở thành một tài nguyên mới vô tận cho sự phát triển bền vững. Thứ ba, làm sao để Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, thậm chí cả bẫy rác thải công nghiệp. Thứ tư làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trên đường phát triển, làm sao để tạo ra tăng trưởng bao trùm tốt hơn nữa."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc đến việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương quan trọng Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội một cách đầy đủ, kịp thời và xuyên suốt, trong đó có những vấn đề về việc kinh tế tư nhân phải trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế; thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần tham mưu về những biện pháp để tận dụng được cơ cấu dân số vàng, để "giàu trước khi già chứ không phải già trước khi giàu". Phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu nhưng đồng thời mang lại quyền lợi cho người lao động, cho nhân dân, không làm tăng sự phân hóa.