Thủ tướng trả lời chất vấn về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tội phạm công nghệ cao

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về nội dung liên quan tới chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tình hình tội phạm công nghệ cao.

Cụ thể, về đạo đức, lối sống và số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cho biết, quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhận thức được vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu nhiệm kỳ đã đề ra và thực hiện quyết liệt, nghiêm túc chủ trương “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”. Việc triển khai đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.  

Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý; kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm; vẫn nảy sinh những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà tới người dân, doanh nghiệp. Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Tình trạng vi phạm pháp luật, quy chế, quy định trong hoạt động công vụ, có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức từ cơ sở cho tới cán bộ cao cấp ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.

Nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội, ngày 27 tháng 12 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. 

Theo đó, Đề án tập trung thực hiện các nội dung về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức và về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án văn hóa công vụ thì các cấp, các ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, hệ thống hóa để sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương. 

Thứ hai, tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ; xác minh, xử lý công khai, minh bạch các thông tin được phương tiện thông tin đại chúng hoặc nhân dân cung cấp. 

Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; tổ chức Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương, tập trung vào nội dung chấp hành các quy định của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền hành chính. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ "tham nhũng vặt", biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ của công chức, viên chức; chú trọng đến văn hóa ứng xử của đội ngũ trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội, của hệ thống chính trị và bộ máy công quyền nhà nước; lên án các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, mê tín, dị đoan, chạy theo lối sống thực dụng, trục lợi, vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. 

Thứ năm, công khai, minh bạch trình tự thủ tục hành chính giải quyết các công việc tại trụ sở các cơ quan. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó đặc biệt tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương; vận hành trục liên thông văn bản quốc gia để giảm bớt thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu suất công việc, giảm thời gian xử lý văn bản.

Tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời"

Về tinh giản biên chế, các Nghị quyết Trung ương 6, 7 Khóa XII, Nghị quyết 39/NQ-TW và Kết luận 17-KL/TW của Bộ Chính trị đều khẳng định: thực hiện tinh giản biên chế trong cả hệ thống chính trị đến năm 2021 phải đạt 10%; đồng thời thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đối với viên chức phải đạt tối thiểu 65% làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Chính phủ luôn chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Tại khối Chính phủ quản lý, tính đến năm 2019, biên chế công chức đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; biên chế viên chức giảm 3,87% so với năm 2015. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng đã thực hiện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến 31/12/2018 là 41.2 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 10 tháng đầu năm 2018: 10.907 người). Tuy nhiên, thực tế mới thực hiện giảm số lượng đơn thuần (số lượng giảm hầu hết là nghỉ hưu trước tuổi), chưa gắn việc giảm số lượng với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Biên chế sự nghiệp y tế và giáo dục thừa, thiếu cục bộ.

Trước những tồn tại như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp: Quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đã được phân công, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương tinh giản biên chế, chính sách tinh giản biên chế đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, trong đó chú trọng công tác hoàn thiện thể chế. Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trước mắt, Chính phủ sẽ bổ sung biên chế sự nghiệp y tế, giáo dục cho một số địa phương tăng dân số cơ học để bảo đảm nguyên tắc có học sinh có giáo viên đứng lớp, có người bệnh có cán bộ y tế theo Kết luận của Bộ Chính trị. Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời". Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu. Chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực chất; tăng cường tự thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Thực hiện nghiêm túc việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Giải pháp chống tội phạm công nghệ cao

Về tình hình tội phạm công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian vừa qua tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản, nhất là thất thoát số lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài, có vụ thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Cùng với sự gia tăng của tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới, tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam phát hiện ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn. Năm 2018 và Quý I/2019, đã khởi tố 449 vụ án hình sự, 867 bị can; xử lý hành chính 187 vụ việc liên quan đến lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng hết sức tinh vi như: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, các ứng dụng thoại trên nền Internet (OTT); thực hiện hành vi thanh toán “khống” hàng hóa - dịch vụ qua thiết bị thanh toán cầm tay kết nối mạng (POS), trộm cắp thông tin thẻ hoặc lợi dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến để chiếm đoạt tài sản...

Đáng chú ý, xuất hiện ngày càng nhiều các đối tượng là người nước ngoài (đặc biệt là số đối tượng có quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và một số quốc gia ở Đông Âu), lợi dụng mục đích nhập cảnh du lịch vào Việt Nam, các đối tượng lưu trú tại các khách sạn, khu nhà ở dành cho người nước ngoài, móc nối với số đối tượng người Việt để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, tình trạng đánh bạc trực tuyến và cá độ bóng đá qua mạng Internet tiếp tục gia tăng đáng kể trên toàn quốc dưới hình thức đánh bạc tín chấp (trả tiền sau) và đánh bạc thế chấp (trả tiền trước) gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội cho đất nước.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao còn diễn biến phức tạp, để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm sau đây: Rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm minh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân và các cơ quan, đơn vị, không để các đối tượng lợi dụng để hoạt động phạm tội; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Đây là tội phạm không biên giới nên việc hợp tác quốc tế là đặc biệt quan trọng, cần tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra, tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực và trang bị phương tiện chuyên dụng hiện đại của các nước tiên tiến nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường đầu tư trang thiết bị phương tiện; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về pháp luật, nghiệp vụ, công nghệ thông tin cho cán bộ chiến sỹ trong lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu công tác. Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật, thông tin lừa đảo trên mạng Internet, chặn lọc việc truy cập, chia sẻ, tạm ngừng hiển thị nội dung trên mạng Internet khi phát hiện thông tin vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội để tránh bị lợi dung, trở thành nạn nhân của tội phạm mạng.

Bên cạnh đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, đánh cắp thông tin, tài khoản cá nhân, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm soát việc cấp, bán tên miền quốc gia ".vn", việc cấp giấy xác nhận đối với các trang mạng xã hội, các trang Web có tên miền trong nước, xử lý nghiêm đối với chủ sở hữu các trang mạng có sai phạm; tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng trong tình hình mới./.

TTXVN/ Báo Tin tức
Sáng 6/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đăng đàn trả lời chất vấn
Sáng 6/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đăng đàn trả lời chất vấn

Bước sang ngày cuối cùng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 6/6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan, tiếp tục trả lời chất vấn về việc quản lý nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, quản lý nguồn thu từ du lịch tâm linh và các di tích tham quan thắng cảnh; quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN