Văn bản nêu rõ: Thông tin báo chí phản ánh rằng nhiều chuyên gia cảnh báo, việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đăk Đoa (Gia Lai) dẫn đến việc phải chuyển đổi hàng trăm héc ta rừng, trong đó gần 156 ha rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá và thảm thực vật tại đây sẽ biến mất, ảnh hưởng đến sự cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin về việc Tổng Cục Lâm nghiệp đã có ý kiến bằng văn bản số 1878, yêu cầu tỉnh Gia Lai cân nhắc thận trọng việc xây dựng sân golf Đăk Đoa vì nếu xây dựng sân golf này thì phải chuyển mục đích sử dụng 174,01 ha đất rừng, làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm.
Văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp nêu rõ: Thời gian qua, sự biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội, các chuyên gia đặt vấn đề có ảnh hưởng từ việc giảm diện tích rừng, làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên, nhất là đối với các tỉnh miền núi và Tây Nguyên.
Cũng theo cơ quan này, tờ trình thẩm định xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng dự án sân golf của tỉnh Gia Lai không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án kèm theo.
Trước đó, năm 2018, tỉnh Gia Lai đã có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đăk Đoa. Theo đó, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, có địa chỉ tại Hà Nội. Dự án sẽ được xây dựng trên trên khu đất 197,3 ha tại các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa của huyện Đắk Đoa. Thời hạn thuê đất là 50 năm. Tổng chi phí thực hiện dự án trên 1.300 tỷ đồng.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, quan điểm của tỉnh Gia Lai là dự án sân golf Đăk Đoa sau khi được xây dựng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí tại tỉnh Gia Lai, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh; góp phần tăng thêm lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư tại tỉnh Gia Lai. Đây là yếu tố quan trọng trong việc phát triển dự án sân golf trên địa bàn, tạo điểm nhấn hấp dẫn giới doanh nhân, các nhà đầu tư, giúp tỉnh Gia Lai phát triển du lịch mạnh hơn.
Ông Lộc cho biết thêm, sau khi tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng đất rừng của dự án đảm bảo phù hợp quy hoạch đất đai, bảo vệ rừng. Trước đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án sân golf Đăk Đoa. Hiện tại dự án này cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, lấy ý kiến đối với các bộ, ngành liên quan trình thủ tướng Chính phủ.
Sự việc đang được dư luận quan tâm. Trong khi các bộ, ngành và chính quyền tỉnh Gia Lai đồng thuận với việc triển khai thì người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai và một số chuyên gia trong nước lại lo ngại về ảnh hưởng, tác động của dự án đối với môi trường, hệ sinh thái của tỉnh Gia Lai, khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.