Kết luận nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh và phải đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế đạt 1,24%; giá trị xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD, tăng gấp 2,15 lần so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công bố trí cho các công trình, dự án đạt 47,5% kế hoạch vốn đã giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tỉnh Phú Thọ còn một số hạn chế, chất lượng tăng trưởng chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; tăng trưởng của các ngành chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao; nhiều ngành công nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa thu hút được nhiều dự án, doanh nghiệp chủ lực, quy mô lớn đầu tư vào tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tập trung cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, cần thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả, không được chủ quan, không được để dịch bệnh lây lan; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 đã đề ra, đặc biệt là giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công đã được giao.
Đồng thời, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương để lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp, chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu và có tầm nhìn dài hạn; tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…, để mở rộng các thị trường mới.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển toàn xã hội; phát triển đa dạng các thành phần kinh tế; xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cả về số lượng và chất lượng.
Đặc biệt, cần xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, nhất là hạ tầng kỹ thuật, cải cách hành chính, hạ tầng kết nối; chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về đất đai, mặt bằng với hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Phú Thọ xác định du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển dịch vụ du lịch, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng của các tuyến, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích lịch sử - văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh; đưa đặc sản địa phương vào phục vụ phát triển du lịch (như các loại cây ăn quả, chè, bưởi…) ; gắn nông nghiệp, môi trường với du lịch, dịch vụ nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Phú Thọ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm trung tâm dẫn dắt sự phát triển của các tiểu vùng; tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, cấp điện, cấp nước... tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.
Tỉnh Phú Thọ cũng cần quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên trên địa bàn; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững; chú trọng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp ít ảnh hưởng đến môi trường; từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi đô thị thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và những khu vực đông dân cư.