Hậu quả của mưa lớn và dông lốc trong ngày 25/9 trên địa bàn đã làm 6 người bị thương và 84 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng tại các huyện Phú Vang, Quảng Điền, thành phố Huế; một cột điện trung thế bị đổ ngã và một cột điện bị cháy ở thành phố Huế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh yêu cầu, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân sớm khắc phục nhà ở hư hỏng do lốc xoáy; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai theo quy định. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo, đôn đốc rà soát, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai; có phương án chủ động khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn kéo dài.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Công ty cổ phần môi trường và Công trình đô thị Huế thu gom, xử lý, vận chuyển rác trên các tuyến đường. Đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã mở các cống qua đê để thanh thải lượng bèo trên sông, khơi thông dòng chảy.
Ngay sau khi xảy ra dông lốc, lực lượng bộ đội Biên phòng, Công an và Quân đội trên địa bàn tỉnh đã cử cán bộ, chiến sỹ phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp khắc phục các nhà bị tốc mái để người dân ổn định đời sống.
Thừa Thiên - Huế hiện có 3.218 ha thủy sản chưa thu hoạch trên tổng số 7.400 ha đã thả nuôi, hàng trăm ha rau màu chưa thu hoạch. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản, hạn chế thấp nhất tình trạng thất thoát do nước dâng cao.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lượng mưa đo được trên địa bàn từ 19 giờ ngày 24/9 đến 15 giờ ngày 25/9 tại các trạm phổ biến từ 80 - 200 mm. Một số trạm cao hơn như: Xuân Lộc 278 mm, Phú Sơn 275 mm, Khe Tre 249 mm. Từ chiều tối và đêm 25/9, các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền và vùng ven biển thành phố Huế gió mạnh dần lên cấp 4 - 5, giật cấp 6 - 7; các địa phương còn lại có gió giật cấp 5, cấp 6.