Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nay các hoạt động giao lưu, hợp tác và trao đổi trên nhiều lĩnh vực giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế với các địa phương của nước bạn đang dần khôi phục, sôi động trở lại, góp phần xây dựng, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.
Phối hợp quản lý tốt đường biên
Với chiều dài hơn 80,6km đường biên giáp với hai tỉnh Salavan và Sê Kông của nước bạn Lào, những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của phía bạn trong công tác trao đổi thông tin, đảm bảo an ninh trật tự và đấu tranh phòng chống tội phạm trên dọc tuyến biên giới.
Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Các Đồn Biên phòng trên tuyến đất liền của tỉnh đang quản lý 32 mốc quốc giới và 7 cọc dấu. Trong 5 năm qua, các đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền đã phối hợp với các Đại đội bảo vệ biên giới của phía bạn tổ chức tuần tra song phương được hàng chục đợt; đồng thời duy trì tốt mối quan hệ kết nghĩa đồn - Đại đội bảo vệ biên giới và bản - bản đối diện, qua đó thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ, chính quyền địa phương và nhân dân hai bên biên giới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã kịp thời tham mưu với lãnh đạo các cấp và trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ vật chất, vật tư y tế cho lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân các bản tiếp giáp trong thời điểm phía Lào gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai, mưa bão… Từ năm 2016 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế còn duy trì hỗ trợ cho 6 học sinh tại ba bản tiếp giáp với mức hỗ trợ 500.000đ/cháu/tháng trong chương trình “Nâng bước em đến trường”. Trạm quân dân y kết hợp tại khu vực biên giới cũng thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh ban đầu, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân nước bạn.
Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác đặc biệt hai tỉnh Salavan và Sê Kông tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hàng chục hài cốt liệt sĩ. Riêng trong mùa khô 2021 – 2022, các đơn vị đã tìm kiếm, quy tập được 16 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào đưa về nước, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế.
Khơi thông những tiềm năng hợp tác
Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế Trần Công Phú, điểm sáng trong hợp tác giữa Thừa Thiên – Huế với hai tỉnh Salavan và Sê Kông là lĩnh vực y tế và giáo dục, đào tạo.
Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đào tạo tiếng Việt và nhiều chuyên ngành Đại học, Cao đẳng cho gần 1.250 lưu học sinh Lào của các tỉnh Attapeu, Champasak, Khăm Muộn, Savannakhet, Sê Kông và Thủ đô Vientiane, trong đó có hơn 150 lưu học sinh đến từ Sê Kông. Trong hai năm qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã tổ chức tiếp nhận hơn 500 lưu học sinh Lào về nước tránh dịch quay trở lại học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh và triển khai công tác tiêm vaccine cho toàn thể lưu học sinh Lào.
Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế Trần Công Phú cho biết: Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên – Huế bắt đầu phối hợp với các địa phương bạn tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ cơ sở về quản lý nhà nước. Với vị thế là trung tâm y tế lớn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhiều năm qua, Bệnh viện Trung ương Huế còn giúp đào tạo nguồn nhân lực y, bác sĩ cho hai tỉnh Salavan và Sê Kông, cũng như phục vụ khám chữa bệnh cho người dân nước bạn.
Tuy nhiên, hợp tác đầu tư, thương mại phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển thương mại khu vực biên giới hiện chưa tương xứng với quan hệ chính trị giữa Thừa Thiên – Huế với các địa phương giáp biên của nước bạn Lào. Cặp cửa khẩu chính Hồng Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế) – Cô Tài (tỉnh Salavan), A Đớt (tỉnh Thừa Thiên Huế) – Ta Vàng (tỉnh Sê Kông) nhiều năm nay hoạt động chưa hiệu quả, do đường giao thông phía Lào bị xuống cấp nghiêm trọng và chưa được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, điểm đấu nối giao thông tại cặp cửa khẩu Hồng Vân – Cô Tài nằm ở vị trí địa hình núi cao hiểm trở, gây nhiều khó khăn cho người và phương tiện qua lại. Trước những bất cập này, đầu tháng 4/2022, tại huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Đoàn công tác của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Lào đã ký kết Biên bản thống nhất việc chuyển vị trí đấu nối giao thông của hai cửa khẩu Hồng Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Cô Tài (tỉnh Salavan). Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốt nhu cầu thông thương cũng như đi lại của người dân hai tỉnh và tăng cường giao lưu, hợp tác, phát triển bền vững giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế với tỉnh Salavan.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vào đầu tháng 6/2022, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông Leklay Sivilay bày tỏ mong muốn thời gian tới, tỉnh Sê Kông và Thừa Thiên – Huế sẽ có thêm nhiều hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại biên giới và hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, năng lượng để hai địa phương tiếp tục thắt chặt hơn tình đoàn kết đặc biệt.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cũng cho rằng, Thừa Thiên – Huế và các địa phương giáp biên của nước bạn Lào còn nhiều dư địa, tiềm năng để hợp tác. Thời gian tới, các bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, biên giới, cửa khẩu, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, góp phần vun đắp tình hữu nghị bền chặt đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung.
Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhằm hưởng ứng Năm đoàn kết, hữu nghị Việt – Lào 2022, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ sang thăm, làm việc và ký kết Biên bản hợp tác với bốn tỉnh Trung và Nam Lào gồm Salavan, Sê Kông, Savannakhet, Champasak. Thông qua đó nhằm khơi thông và đẩy mạnh hợp tác toàn diện, hiệu quả với các địa phương của nước bạn.