Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đặc biệt khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
Mỗi chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cao cấp đều có thông điệp, mục tiêu và đem lại những kết quả nhất định. Mục đích chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không ngoài mục tiêu thúc đẩy, thắt chặt và nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hà Lan.
Ngày 6/12/2021, khi tình hình dịch COVID-19 còn rất căng thẳng tại hai nước cũng như trên thế giới, trong cuộc điện đàm ngắn, ngoài những nội dung quan trọng về hợp tác chống dịch và nhiều vấn đề lớn khác, Thủ tướng Mark Rutte đã mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Hà Lan với kỳ vọng chuyến thăm sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ vốn đã bền chặt giữa hai nước.
Đại dịch COVID-19 là điều khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử, khiến thế giới chao đảo và những quốc gia hùng mạnh bậc nhất cũng bị tổn thương. Năm 2022 lại tiếp tục chứng kiến những biến động theo một cách ít ai có thể ngờ càng khiến nhiều người nhận ra rằng chỉ có hợp tác hòa bình và thành thực vì mục tiêu chung của loài người mới có thể cùng tồn tại và phát triển.
Tôi nghĩ rằng đây cũng là thông điệp và ý nghĩa của chuyến thăm, đặc biệt trước thềm năm mới 2023, khi hai nước cùng kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm sẽ tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.
Thưa Đại sứ, trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đặt trọng tâm vào các lĩnh vực hợp tác song phương nào?
Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm chung về điều kiện tự nhiên (là quốc gia ven biển, phải đối mặt với lũ lụt, ngập mặn, biến đổi khi hậu) và địa chính trị (là cửa ngõ của khu vực). Hà Lan có nhiều thế mạnh trong vấn đề trị thủy, tận dụng sức thiên nhiên để phục vụ hoạt động của con người. Hà Lan quyết tâm đi đầu trong mục tiêu khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và là hình mẫu tốt của thế giới về kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng…Đó là những vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam.
Hà Lan và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ hợp tác song phương lên tầm đối tác chiến lược ngành từ khá lâu - “Đối tác chiến lược về thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước” (từ năm 2010) và “Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực” (từ năm 2014). Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm vấn đề hợp tác trong thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chú trọng tới quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Ngoài việc chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp với chủ đề “Hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng”, Thủ tướng còn dành thời gian tiếp, lắng nghe các doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan đã có hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam từ rất lâu hoặc đang quan tâm, muốn dịch chuyển sang Việt Nam.
Thưa Đại sứ, trong gần 50 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hà Lan có những dấu ấn gì nổi bật? Đâu là lĩnh vực hợp tác tiềm năng mà hai nước cần thúc đẩy trong thời gian tới?
Quan hệ Việt Nam - Hà Lan đã có bề dày hơn 400 năm, khi Công ty Đông Ấn vươn đến khu vực Đông Á để khám phá thị trường, tìm nguồn nguyên liệu. Nhiều thế hệ người Hà Lan yêu chuộng hòa bình, công lý đã xuống đường phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Năm 19, các bác sỹ Hà Lan tổ chức quyên góp ủng hộ nhân dân vùng chiến tuyến và xây dựng một bệnh viện tại Quảng Trị. Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam ra đời và tồn tại đến ngày nay, Bệnh viện Quảng Trị (nay đã được xây lại) là những dấu ấn đẹp của tình hữu nghị giữa hai nước.
Trong những năm gian khó của Việt Nam, Hà Lan đã cử rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, thủy lợi, hàng hải… sang Việt Nam. Họ đã góp phần giúp Việt Nam vượt khó vươn lên, từ chỗ phải nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo.
Hai thập kỷ gần đây đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của mối quan hệ giữa hai nước. Trong thập niên trước năm 2000, số đoàn cấp cao và cấp bộ của Việt Nam sang Hà Lan chỉ là 5, của Hà Lan sang Việt Nam chỉ là 2, thì trong hai thập kỷ sau đó, Việt Nam cử 19 đoàn, còn Hà Lan 12 đoàn. Nhờ vậy, hợp tác trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, thương mại, đầu tư… đều tăng rất nhanh. Hai mối quan hệ đối tác chiến lược đã hình thành trong giai đoạn này và quan hệ đối tác toàn diện đã hình thành nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte (tháng 4/2019). Đây là những dấu ấn nổi bật trong thời gian qua. Tới đây, hai nước có rất nhiều tiềm năng phát triển hợp tác trên cơ sở những tương đồng trong nhận thức những nguy cơ, thách thức của nhân loại để phát triển bền vững. Có thể nêu một số lĩnh vực cụ thể. Thứ nhất, hợp tác trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Lan đặt mục tiêu khí hậu rất cao và quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phát triển. Đây chính là động lực để hai nước cùng sát cánh với nhau. Những công nghệ tiên tiến, những sáng kiến của Hà Lan có thể được thử nghiệm, ứng dụng tại Việt Nam.
Thứ hai, hợp tác chuyển đổi năng lượng. Hà Lan đang nỗ lực phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh thay thế năng lượng hóa thạch. Việt Nam cũng đang quyết tâm phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió và hydrogen.
Thứ ba, hợp tác quy hoạch và xây dựng cảng biển hiện đại, thông minh, kết nối với các cơ sở hạ tầng trong nước phục vụ phát triển. Thế mạnh này của Hà Lan đã được kiểm chứng bằng chính thực tiễn của nước này và nhiều nơi trên thế giới.
Thứ tư là hợp tác phát triển công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đây là một mắt xích rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp khác, cung cấp bộ óc của các cỗ máy, thiết bị điện tử thông minh, hiện đại mà cả thế giới đang cần.
Thứ năm là hợp tác trong nông nghiệp công nghệ cao. Công nghệ giúp kiểm soát toàn bộ quá trình sinh trưởng, thu hoạch và sau thu hoạch, giúp Việt Nam làm chủ chất lượng nông sản để có thể tham gia chuỗi giá trị và phát triển giá trị thương hiệu Việt.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!