Ông Lý Bảo Đông, Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á Bắc Ngao cho biết, đây là lần đầu tiên Diễn đàn châu Á Bác Ngao cùng với Việt Nam tổ chức diễn đàn tại Hà Nội.
Ông Lý Bảo Đông nhấn mạnh, Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) được thành lập từ ngày 27/02/2001, với tôn chỉ là xây dựng một diễn đàn kinh tế của châu Á nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế trong khu vực và liên khu vực, giúp các quốc gia cùng phát triển.
Kể từ khi được thành lập đến nay, BFA là nơi lãnh đạo, doanh nghiệp các nước chia sẻ ý tưởng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính - ngân hàng.
Với phương thức tổ chức tương tự như các hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới, BFA ngày càng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, nhất là giới doanh nghiệp châu Á. Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của BFA đã nhiều lần tham dự hội nghị thường niên ở cấp Chính phủ.
Tại tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc 13 năm liên tục là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam. Đồng thời là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam về các mặt hàng máy tính, linh kiện, cao su thiên nhiên than và gạo. Cùng đó, là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Tính đến hết tháng 11/2018 Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam 2.102 dự án với tổng vốn đầu tư 13,05 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, năng lượng, bất động sản và các sản phẩm khác như: dệt may, điện tử, dịch vụ…
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhập siêu từ Trung Quốc với số lượng ngày càng tăng. Việt Nam mong muốn, Trung Quốc gia tăng nhập khẩu hàng hóa có ưu thế của Việt Nam để dần dần cải thiện cán cân thương mại song phương, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố luôn quan tâm đến hoạt động, chương trình hợp tác với các tỉnh thành phố và cộng đồng doanh nghiệp của Trung Quốc với tinh thần hợp tác toàn diện, hiệu quả hai bên cùng có lợi.
Tại Hà Nội hiện đã có 425 dự án FDI của các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 517 triệu USD. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký đặt 100 văn phòng đại diện tại thành phố Hà Nội. Nằm trong quy hoạch “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia các hội nghị hợp tác kinh tế được tổ chức tại các địa phương của hai nước và ký kết các biên bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng, kim ngạch xuất nhập khẩu còn chưa cân đối. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung rà soát các mặt hàng, sản phẩm chủ lực đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu lớn, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính xuất nhập cảnh.