Phát biểu tại buổi hội đàm, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho hay, trong 11 tháng năm 2019, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có bước chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán mốc 500 tỷ USD.
Đánh giá việc hợp tác giữa 2 bộ thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đã có bước tiến mới, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hai bên đã tích cực trao đổi các đoàn cán bộ sang học tập và chia sẻ kinh nghiệm. Tháng 6/2019, hội nghị trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, quản lý kinh tế vĩ mô, quản lý viện trợ, thanh tra, tổ chức... đã được tổ chức.
Để tăng cường thực hiện các thỏa thuận giữa 2 bộ trong thời gian năm 2020, phía Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa việc phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm ở cấp bộ và tới cả các cấp sở Kế hoạch và Đầu tư phía bạn Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị, văn phòng và Ủy ban hợp tác hai bên cần có trao đổi chi tiết để không chỉ có hợp tác của hai bộ, mà còn đi sâu hơn vào chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác ở các sở, ngành Kế hoạch và Đầu tư trong cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone, đã cảm ơn phía Việt Nam thời gian qua đã luôn giúp đỡ và viện trợ cho đất nước Lào; đồng thời đánh giá cao sự hợp tác, phát triển và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai bộ. Đây luôn là một phần quan trọng góp phần nâng cao chất lượng quản lý, hợp tác giữa hai nước.
Thời gian tới, ông Sonexay Siphandone cho biết, cần tập trung hơn nữa vào các thỏa thuận, các dự án mà hai bên đã ký kết, thực hiện thành công theo kế hoạch đề ra. Trong hợp tác giữa hai bộ, hai bên tiếp tục giúp đỡ, đào tạo cho cán bộ và viên chức của Lào và thêm ở các địa phương, cấp sở. Mong rằng, sự hợp tác cùng phát triển giữa hai bộ ngày càng sâu sắc, để từ đó tăng cường chất lượng tham mưu cho Chính phủ hai nước.
Theo thông tin hợp tác giữa hai nước, hiện nay, hai nước Việt Nam – Lào có sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực.
Hai bên thường xuyên hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực sông Mekong, tiếp tục phối hợp với các bên kiểm tra, giám sát các tác động toàn diện của việc sử dụng nước sông Mekong
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Lào tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt hơn 1 tỷ USD, 8 tháng của năm 2019 đạt 748 triệu USD (tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2018). Xuất khẩu Việt Nam sang Lào đạt 405 triệu USD (tăng gần 18,8%), nhập khẩu từ Lào đạt gần 260 triệu USD (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018).
Hai bên tiếp tục tích cực triển khai Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại ít nhất 10%/năm.
Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, tính đến tháng 6/2019, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt 411 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD, tập trung nhiều vào một số lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, dịch vụ, nông nghiệp và viễn thông.
Các dự án hoạt động có hiệu quả thuộc lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, đóng góp cho ngân sách nhà nước Lào và an sinh xã hội, được các bạn Lào đánh giá cao. Vốn thực hiện đạt gần 50%, khoảng 2 tỷ USD.
Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Lào và người Lào tại Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại mỗi nước. Đến nay đã thành lập được Hội người Việt Nam tại 12/18 tỉnh, thành phố của Lào...